Chủ Nhật, 03/03/2024, 21:03 (GMT+7)
.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng gạo gắn với logistics

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững vừa được ban hành, các cơ quan liên quan cần thúc các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics để đưa sản phẩm đến các thị trường…

Nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường đang có nhiều biến động, Baochinhphu.vn đưa tin.

Nội dung chỉ thị nêu, năm qua, ngành lúa gạo đang còn nhiều hạn chế như chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, gái cả chưa được kiểm soát, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo; chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Các tháng đầu năm 2024, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang. Tuy nhiên, các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tình trạng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp, còn người dân mong muốn giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của nông dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hai bộ là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics để đưa sản phẩm đến với các thị trường; nghiên cứu việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch lúa gạo.

Việc nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo là một trong các nhiệm vụ cần thực hiện, góp phần hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa theo đúng thời vụ. Bộ cũng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng để cung cấp thông tin về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa, gạo.

Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường gạo trong và ngoài nước; tìm cơ hội đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ mua bán lúa và xuất khẩu gạo. Cùng với đó là nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long…

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.