Chủ Nhật, 03/03/2024, 09:23 (GMT+7)
.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024:

Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới

Chiều 2/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày.

b

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. (Ảnh: Gia Thành)

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%.

Song song với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%). Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%.

Khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tếKhơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng đầu năm có trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41 .000 DN, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân dân cả nước, mọi người, mọi nhà đều vui Xuân đón Tết. Tổng số tiền hỗ trợ Nhân dân đón Tết đạt gần 20 nghìn tỷ đồng. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Ngoài ra, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được tập trung đẩy mạnh, hiệu quả, thiết thực; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh rong một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm; nợ xấu có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao; an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, nhưng tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…

Đúc kết và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước sắp tới, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển mạnh các ngành; tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; tăng cường hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.

Theo Baoquocte.vn

.
.
.