Thứ Hai, 28/08/2023, 16:45 (GMT+7)
.

Tự hào truyền thống 78 năm ngành Văn hóa

78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hòa mình vào dòng chảy lịch sử dân tộc, ngành Văn hóa đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, vị trí của ngành ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của đất nước.

TỰ HÀO 78 NĂM NGÀNH VĂN HÓA

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Thông tin - Tuyên truyền được thành lập. Với ý nghĩa đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 28-8 hằng năm là ngày truyền thống của ngành, để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã triển khai tốt các hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã triển khai tốt các hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Theo dòng lịch sử, tháng 2-1943, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng xác định, phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị đã ban hành “Đề cương về văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân và những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Đề cương văn hóa Việt Nam nêu rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị và văn hóa)”. Như vậy, ngay từ những bước chuẩn bị đầu tiên cho bộ máy chính quyền mới “của dân, do dân và vì dân”, Đảng ta đã hết sức coi trọng vai trò của văn hóa, hướng đến định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam gắn liền với sứ mệnh cách mạng của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ, ngày 28-8-1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định thành lập nội các với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Bộ trưởng đầu tiên do đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện cho Bộ ra mắt trước quốc dân tại Lễ Độc lập vào ngày 2-9-1945.

Trải qua lịch sử 78 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Văn hóa và Thông tin hoạt động với rất nhiều lĩnh vực và đã có những tên gọi khác nhau để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Theo đó, vào ngày 1-1-1946, Bộ Thông tin, Tuyên truyền đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động. Đến ngày 13-5-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định ấn định hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cả nước là Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ.

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu kháng chiến lâu dài, ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 224, đổi tên Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền thành Nha Thông tin. 5 năm sau đó, vào ngày 10-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 36, chuyển Nha Thông tin từ Bộ Nội vụ sang Thủ tướng phủ quản lý. Đồng thời sáp nhập Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ, theo Sắc lệnh 83 ngày 24-2-1952.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ở miền Bắc, Hội đồng Chính phủ thành lập Bộ Tuyên truyền trên nền tảng Nha Tuyên truyền và Văn nghệ, sau đó đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa vào ngày 20-9-1955 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song song đó, ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập Bộ Thông tin - Văn hóa vào ngày 6-6-1969. Hai Bộ ở 2 miền hoạt động và lớn mạnh cho đến ngày sáp nhập sau khi đất nước thống nhất.

Năm 1977, Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin theo Nghị quyết 99 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đến ngày 4-7-1981 đổi lại là Bộ Văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII. Kể từ đó đến nay, Bộ được nhiều lần tách, nhập và thay đổi tên như: Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

78 năm hình thành và phát triển song hành cùng những giai đoạn thăng trầm của đất nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm chung tay sát cánh cùng đồng bào, đồng chí có mặt ở khắp các mặt trận suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.

XỨNG DANH VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Trong những năm qua, Ngành Văn hóa tỉnh Tiền Giang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tiền Giang là một trong những vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng thì Tiền Giang là nơi tập trung nhiều nhất ở nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và lễ hội truyền thống.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp chào mừng Lễ Quốc khánh 2-9-2022 tại huyện Gò Công Tây.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp chào mừng Lễ Quốc khánh 2-9 năm 2022 tại huyện Gò Công Tây.

Thời gian qua, Tiền Giang đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa. Hiện Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trên lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Tiền Giang được xem là mảnh đất phát triển phong trào đờn ca tài tử, là cái nôi của sân khấu cải lương ở Nam bộ. Chính sự đa dạng, phong phú của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, đã tạo tiền đề vững chắc cho phát triển và lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ.  Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, đầu tư, tạo khí thế sôi nổi, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích làm nền tảng tinh thần trong nhân dân.

 Toàn tỉnh hiện có 186 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 164 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa được các cấp chính quyền trong tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần  bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, giáo dục truyền thống địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đã giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các lễ hội như: Nghinh Ông Vàm Láng, Thủ Khoa Huân, Tứ Kiệt, Chiến thắng Ấp Bắc, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Nam kỳ khởi nghĩa - Đình Long Hưng… Thông qua các lễ hội, đã góp phần giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; bồi đắp lý tưởng, nhân cách sống, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa.

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa, là cơ hội để toàn ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành, từ đó có những định hướng, chiến lược phát triển xứng tầm, là một trong những ngọn cờ tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

V.PHƯƠNG

 

.
.
.