Thứ Ba, 01/12/2020, 17:35 (GMT+7)
.

Người có quan hệ tình dục đồng giới cần cảnh giác với HIV

(ABO) Cũng như tình hình chung cả nước, lây nhiễm HIV qua đường tình dục là nguyên nhân chủ yếu của các ca nhiễm HIV tại Tiền Giang hiện nay, chiếm đa số trong tổng số ca mắc toàn tỉnh. Đặc biệt là HIV xuất hiện đáng báo động trong nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới.

TĂNG SỐC CA NHIỄM HIV TRONG NGƯỜI ĐỒNG GIỚI

Thời gian qua, công tác quản lý, đưa vào điều trị sớm và tốt hơn nên số ca nhiễm HIV chuyển AIDS giảm 63,6% và số trường hợp tử vong do AIDS tại Tiền Giang trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm trên 65% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, tất cả các địa phương của tỉnh Tiền Giang đều có người nhiễm HIV. Đến cuối tháng 9-2020, TP. Mỹ Tho vẫn là địa phương có số ca nhiễm HIV nhiều nhất tỉnh Tiền Giang, kế đến là các huyện Châu Thành, Cái Bè và Chợ Gạo. Tỉnh có trên 70% người nhiễm HIV nằm trong lứa tuổi từ 20 đến 39 tuổi, với trên 71% là nam giới.

Nếu nguyên nhân lây nhiễm HIV trước đây chủ yếu là do tiêm chích ma túy thì hiện nay hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi rất lớn, với đa số là do quan hệ tình dục không an toàn. Điều đặc biệt đáng báo động là số ca nhiễm mới HIV có liên quan rất lớn đến người có quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới vào cuối năm 2005 là 0,44%, đến 2010 là 2,7% và đến tháng 6-2020 đã tăng lên13,3% trong tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh.

Số liệu của khoa Phòng, chống HIV/ AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho thấy, hiện nay, số ca nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Năm 2018 người có quan hệ tình dục đồng giới chiếm 34,19% ca nhiễm được phát hiện. Đến cuối năm 2019, con số này đã tăng lên 36,73% và trong 9 tháng đầu năm 2020 đã ở mức 47,62%. Đây thật sự là tình trạng báo động, vì nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng rất cao nếu không có giải pháp chủ động kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ.

CƠ HỘI AN TOÀN CHO NGƯỜI CÓ NGUY CƠ CAO

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đối với những người có nguy cơ cao nên sử dụng PrEp để được dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh biện pháp này có khả năng dự phòng lây nhiễm HIV trên 90%.

Thuốc dùng trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Tiền Giang
Thuốc dùng trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Tiền Giang.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/ AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, PrEp là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Pre- Exposure prophylaxis) có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Hiện tại, thuốc PrEp đang sử dụng tại Tiền Giang có tên là Emtricitabine & Tenofovir disoproxil fumarate Tablets 200mg/300mg được kết hợp liều cố định emtrieitabin và tenofovir disoproxil fumarat, được chỉ định trong liệu pháp kết hợp thuốc kháng vi rút (ARV) và phối hợp với các thuốc khác theo hướng dẫn của Bộ Y Tế. Khi dùng thuốc PrEp đúng cách và đều đặn mỗi ngày sẽ giảm lây nhiễm HIV trên 90%.

PrEp đạt hiệu quả cao đối với những người thuộc các đối tượng như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, bạn tình khác giới không bị nhiễm của người có HIV, người bán dâm, người tiêm chích ma túy.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt khuyến cáo, PrEp cần sử dụng khi có các hành vi nguy cơ cao trong 6 tháng qua như quan hệ tình dục không an toàn, từng được chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, lậu, chlamydia), từng điều trị PrEP sau khi có các hành vi nguy cơ nhiễm HIV; dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích; có bạn tình nhiễm HIV, bạn tình chưa điều trị ARV hoặc mới điều trị ARV dưới 6 tháng hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng tải lượng vi rút > 200 bản sao/ml hoặc chưa xét nghiệm tải lượng vi rút.

Tuy nhiên, PrEp chỉ đạt hiệu quả nếu sử dụng 7 ngày liên tục đối với người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn và 21 ngày đối với người có quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc có nguy cơ lây truyền qua đường máu.

Một số lưu ý khi sử dụng PrEP là PrEP không phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên vẫn cần sử dụng bao cao su/chất bôi trơn khi quan hệ tình dục. PrEP an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. PrEP cũng không làm thay đổi nồng độ hormone nữ (đối với nhóm chuyển giới). Tái khám và thực hiện xét nghiệm định kỳ bao gồm xét nghiệm HIV theo chỉ định của bác sĩ.

Từ năm 2019 đến nay đã có 75 trường hợp được sử dụng PrEP. Dự kiến trong năm 2021, Tiền Giang sẽ triển khai điều trị cho 400 trường hợp, trong đó tuyến tỉnh điều trị cho 300 trường hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, mỗi nơi điều trị 50 trường.

THỦY HÀ

.
.
.