Thứ Ba, 01/12/2020, 14:32 (GMT+7)
.

Hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

(ABO) Sáng 1-12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1-12. Hội nghị được trực tuyến toàn quốc. Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị với sự tham dự của thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh, huyện…

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Tại Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống y tế, dịch bệnh HIV/AIDS ở Việt Nam đã từng bước được kiểm soát.

Ước tính của các chuyên gia quốc tế, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng nửa triệu người tránh khỏi lây nhiễm HIV và hơn 150.000 người khỏi tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Tiền Giang.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo toàn diện không chỉ ở trong nước mà cả bằng các cam kết chính trị mạnh mẽ trên trường quốc tế. Việt Nam đã tham dự và ký các cam kết về phòng, chống HIV/AIDS trong các hội nghị thượng đỉnh của thế giới và khu vực và được Cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia luôn đi tiên phong và có cam kết chính trị mạnh mẽ, kịp thời.

Trong chặng đường 30 năm phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn. Đó là hệ thống văn bản phòng chống HIV/ AIDS được hoàn thiện. Ngay từ năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 52 và sau này ban hành tiếp Chỉ thị 54 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cũng trong năm 1995, Pháp lệnh Phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miến dịch mắc phải ở người đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tạo những nền tảng pháp lý đầu tiên cho trận chiến đầy cam go và thử thách.

Luật Phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được Quốc hội thông qua năm 2006. Việt Nam là một trong hai quốc gia ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS sớm nhất trên thế giới và được cộng đồng quốc tế đánh giá là luật bảo đảm nhân quyền cao, trách nhiệm thi hành toàn diện và tiên tiến. Sau 14 năm thi hành, Việt Nam đã đánh giá và tiến hành sửa đổi, cập nhật những tiến bộ mới và Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2020 với sự đồng thuận cao.

Trong 30 năm qua, Chính phủ cũng đã ba lần xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS. Ngoài ra, với hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật bao gồm Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Y tế, Nghị định của Chính phủ các Quyết định của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như hàng loạt các Thông tư của Bộ Y tế và các bộ, ngành khác ban hành trong 30 năm qua tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tổ chức mạng lưới phòng, chống AIDS phát triển, thay đổi phù hợp và đáp ứng tốt các nhiệm vụ theo từng thời kỳ. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả như triển khai cung cấp bơm kim tiêm miễn phí tại 52 tỉnh, phát bao cao su miễn phí tại 55 tỉnh, thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở 63 tỉnh/thành phố cho hơn 52.000 bệnh nhân; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 13 ngàn khách hàng, chủ yếu là những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, bảo đảm tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Hiện tại, Việt Nam có hơn 1.200 phòng xét nghiệm sàng lọc, bao phủ 100% tuyến huyện. Có 170 phòng xét nghiệm khẳng định HIV, bao phủ 100% tỉnh/thành phố.

Điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Số lượng bệnh nhân được điều trị tăng nhanh qua các năm. Đến ngày 30-9-2020, Việt Nam đang điều trị cho 150.984 bệnh nhân HIV tại 446 cơ sở điều trị và 652 cơ sở cấp phát thuốc. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao.

Cơ chế tài chính đổi mới, bền vững. Những năm trước, Việt Nam chủ yếu triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tiền viện trợ (80%). Gần đây, cơ cấu tài chính HIV/AIDS thay đổi nhanh: Viện trợ giảm từ 73% (2014) xuống 48% (2019); Tài chính trong nước tăng từ 27% lên 52% cùng kỳ (chủ yếu là ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế).

Giảm số nhiễm HIV mới, tử vong. Duy trì tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% theo như mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Việc triển khai tích cực và hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã giúp giảm rõ rệt số nhiễm mới HIV. Ngoài ra, chương trình cũng đã làm giảm rõ rệt số tử vong và dự phòng số trường hợp nhiễm mới HIV. Ước tính trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2018, chương trình đã dự phòng nhiễm mới HIV được cho hơn 460 ngàn người, giảm tử vong được cho hơn 200 ngàn người.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong phòng, chống đại dịch nguy hiểm HIV/AIDS. Ngày 14-8-2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Những kết quả đã đạt được trong suốt 30 năm qua trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, những bài học kinh nghiệm và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là những cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 ước Việt Nam có 230.000 người nhiễm HIV, đứng thứ 4 ở Đông Nam Á. Mỗi năm cả nước có khoảng 10.000 ca nhiễm mới. Các hành vi nguy cơ diễn biến phức tạp, lây truyền qua đường tình dục gia tăng, tỷ lệ người nhiễm HIV gia tăng nhanh trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Đây là những thách thức và là vấn đề sức khỏe quan trọng của cộng đồng.

THỦY HÀ - THANH HOÀNG

 

 

.
.
.