Thứ Sáu, 27/11/2020, 10:35 (GMT+7)
.

Tăng sức đề kháng cho người cao tuổi bằng chế độ dinh dưỡng

Thực phẩm ăn vào cung cấp các chất dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe trong suốt các giai đoạn khác nhau của đời người. Đặc biệt ở người cao tuổi (NCT) ăn uống không đúng với tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến bệnh tật. Đôi khi chỉ cần một vài thay đổi nhỏ về dinh dưỡng cũng cải thiện tình trạng sức khỏe NCT rất nhiều.

Mỗi người cần có một thói quen ăn uống lành mạnh. Nhiều người ý thức được việc này nhưng ít thực hiện được. Vì thế, cần tìm hiểu về lợi hại của dinh dưỡng để biết cách ăn uống sao cho phù hợp và có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với NCT.

NHU CẦU DINH DƯỠNG

Chế độ dinh dưỡng có thể xem là đầy đủ, khi cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các hoạt động, chức năng của cơ thể cũng như có dự trữ cho nhu cầu cấp bách. Còn chế độ dinh dưỡng không đầy đủ là khi cung cấp ít hơn nhu cầu. Trong trường hợp này, cơ thể sẽ lấy nguyên liệu từ kho dự trữ để nuôi dưỡng và tái tạo tế bào. Nếu thiếu dinh dưỡng trong thời gian ngắn, thì kho dự trữ có thể bù đắp được, nhưng nếu kéo dài mà không được bổ sung sẽ nảy sinh tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và dẫn đến giảm tuổi thọ.

Thức ăn giàu các vitamin giúp tăng sức đề kháng.
Thức ăn giàu các vitamin giúp tăng sức đề kháng.

Ngược lại, khi cung cấp nhiều hơn nhu cầu sẽ tạo ra tình trạng dư thừa. Chẳng hạn, chất sắt rất cần cho việc tạo hồng cầu trong máu, nhưng quá nhiều sẽ dẫn tới ứ sắt ở gan làm suy gan. Nếu cung cấp năng lượng dư nhiều thì sẽ được cơ thể hấp thụ và chuyển sang dự trữ, nhưng khi quá nhiều sẽ gây ra tình trạng béo phì, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch...

Mọi người đều cần những thành phần dinh dưỡng như nhau, bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc, điều kiện sinh hoạt. Tuy nhiên về số lượng, thì mỗi cơ thể đều có nhu cầu khác nhau. Cơ thể càng to lớn thì nhu cầu dinh dưỡng càng cao; đồng thời, một người hoạt động nhiều chắc chắn cần nhiều thực phẩm hơn người ít hoạt động…

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐỂ TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH

NCT cần tăng cường dinh dưỡng để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng, chống dịch bệnh. Các bữa ăn hằng ngày phải đảm bảo cung cấp đủ thành phần các chất như đạm, đường, béo… Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ các vitamin A, C, D, E và các khoáng chất cần thiết như sắt, kẽm, những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Để nâng cao sức đề kháng, cần phải ăn nhiều hoa quả và rau xanh có chứa nhiều vitamin A, C, D, E. Các trái cây chứa nhiều vitamin C bao gồm bưởi, cam, quýt, ổi, kiwi… Vitamin C chính là “chìa khóa” để tăng cường sức đề kháng, bởi vitamin C làm tăng sự sản xuất bạch cầu. Do vitamin C không được dự trữ trong cơ thể nên việc bổ sung vitamin C phải đều đặn hằng ngày. Đối với người đau dạ dày có thể bổ sung vitamin C bằng một số loại trái cây như ổi, đu đủ, rau cải thìa, bắp cải, rau mầm…

Thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm: Gan động vật, cà rốt, cà chua, bí đỏ, trái gấc, ớt chuông đỏ, khoai lang, cần tây, rau lá xanh. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt; đảm bảo sự phát triển bình thường của xương, răng; bảo vệ niêm mạc và da; tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống lại các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Chính vì vậy, cần chú ý đến các thực phẩm giàu vitamin A, để tăng sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin D gồm: Cá, dầu cá, ngũ cốc, sò, nấm... Vitamin D cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi giúp phát triển xương, kiểm soát tăng trưởng tế bào, tăng cường chức năng thần kinh, hệ miễn dịch và giảm viêm. Thiếu hụt vitamin này có thể dẫn đến bệnh còi xương, suy yếu hệ miễn dịch, tóc mọc kém, loãng xương. 

Thực phẩm chứa nhiều vitamin E gồm: Củ cải, cà chua, khoai môn, bí đỏ, các loại rau lá xanh (rau cải xoăn, cải bẹ xanh, bắp cải), các loại hạt (hạt hạnh nhân, hạt thông, hạt dẻ, quả hồ đào, quả óc chó, bơ đậu phộng, hạt hướng dương, hạt bí). Vitamin E là chất chống oxy hóa tốt và bảo vệ các màng tế bào, giữ cho da, tim, thần kinh, cơ và tế bào hồng cầu khỏe mạnh, cải thiện khả năng miễn dịch và bảo vệ hệ thần kinh, võng mạc.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO NCT

Đối với những NCT đang mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận… cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ và thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ các vitamin A, C, D, E và các khoáng chất sắt, kẽm góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

NCT cần được nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn đủ chất và đặc biệt ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng mà cơ thể cần để duy trì trọng lượng cơ thể ở mức trung bình. Nếu ăn không đủ thì nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng. Đặc biệt là tránh quên bữa ăn, nhất là đối với NCT hay quên, sa sút trí tuệ cần được quan tâm chăm sóc đầy đủ.

Hằng ngày, NCT cần ăn nhiều loại thực phẩm, vì mỗi loại thực phẩm có chất dinh dưỡng khác nhau mà loại khác không có. Như vậy, cần có chế độ ăn đa dạng mới cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Không nên ăn kiêng quá sẽ làm cho cơ thể thiếu chất, gây suy yếu hệ miễn dịch, thiếu kháng thể chống lại bệnh tật. Ngược lại, ăn nhiều quá dẫn đến thừa cân, kéo theo sức khỏe và hệ miễn dịch của NCT giảm xuống. Do đó, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt để bảo vệ sức khỏe cho NCT.

BS CKII LÊ THÚY PHƯỢNG

.
.
.