Chủ Nhật, 27/11/2016, 06:35 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU TẠ MINH TÂM (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Đóng góp 9 vấn đề vào dự án Luật Cảnh vệ

Ngày 21-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Cảnh vệ. Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến đóng góp cụ thể vào các điều, khoản như sau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng (Điều 2): Đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung quy định: “khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng”, vì đây là đối tượng áp dụng của Luật.

Thứ hai, về giải thích từ ngữ (Điều 3): Đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích cụm từ “Sự kiện đặc biệt quan trọng” để các nội dung quy định được cụ thể, rõ ràng và đảm bảo sự thống nhất trong thực thi Luật.

Thứ ba, về nguyên tắc công tác cảnh vệ (Điều 5): Ở đoạn cuối của khoản 2, đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an đối với lực lượng Cảnh vệ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng Cảnh vệ thuộc Quân đội” để đảm bảo quy định chặt chẽ, cụ thể trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của từng lực lượng Cảnh vệ.

Thứ tư, về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9): Đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung 1 khoản: “Tuyên truyền phổ biến thông tin trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cảnh vệ” để quy định được đầy đủ.

Thứ năm, về biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ (Điều 11): Khoản 1, cụm từ cuối điểm c: “kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng”, quy định như thế sẽ rất khó thực hiện, vì sau kiểm nghiệm sẽ không thể có kết quả ngay, trong khi có lúc yêu cầu phải sử dụng tức thì, do đó đề nghị sửa lại là: “đảm bảo an toàn thức ăn, nước uống trước khi sử dụng” sẽ có nhiều biện pháp được đưa ra thực hiện hiệu quả hơn.

Thứ sáu, về trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ (Điều 21): Khoản 2 có đề cập đến vấn đề giữ bí mật về công tác cảnh vệ, nhưng chưa đảm bảo chặt chẽ, do vậy cần thiết phải nhấn mạnh là tuyệt mật, đề nghị xem xét chỉnh sửa lại như sau: “Tuyệt đối giữ bí mật về công tác cảnh vệ và giữ bí mật mọi thông tin liên quan đến quốc gia và đối tượng cảnh vệ”.

Thứ bảy, về quyền của Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội (Điều 22): Ở khoản 2, đề nghị sửa lại là: “Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội được quyền”, bởi các lý do sau: Đảm bảo tương thích với quy định quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Nếu quy định như trong dự thảo Luật “Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội khi bảo vệ đối tượng cảnh vệ Quân đội được quyền”, dễ bị hiểu nhầm là Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ đối tượng Cảnh vệ Quân đội thì có các quyền nêu trong Luật; còn những cán bộ cảnh vệ thuộc lực lượng Cảnh vệ Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ Quân đội thì Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội không có các quyền nêu trong Luật.

Ngoài ra, tại các điểm e, g, khoản 1, Điều 10; các khoản 3, 4, Điều 11 của dự án Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung quy định như: Huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Điều 24; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông... khi có căn cứ xác định các hoạt động này có thể gây nguy hại đến an toàn của đối tượng cảnh vệ Quân đội... vào trong khoản 2, Điều này.
Thứ tám, về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23): Tiêu đề khoản 2, đề nghị bỏ cụm từ: “nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc về nổ súng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, vì tại điểm d, khoản này đã có quy định.          

Thứ chín, về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (Điều 28): Đề nghị bổ sung vào cuối khoản 1 cụm từ: “và các đối tượng khác khi có yêu cầu lực lượng Cảnh vệ Quân đội đảm nhiệm”; bởi trong trường hợp các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng chuyển công tác ra ngoài mà các đồng chí đó có tiêu chuẩn công tác cảnh vệ, nếu các đồng chí yêu cầu công tác cảnh vệ thì do Quân đội đảm nhiệm.

  ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.