Thứ Tư, 23/11/2016, 21:26 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN KIM TUYẾN (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 7 nội dung về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của NN

Vừa qua, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) thống nhất với mục tiêu ban hành sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đóng góp 7 nội dung vào dự thảo luật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 5 về quyền yêu cầu bồi thường: Quy định người có quyền yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, tại Điều 13 dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại chỉ quy định cho người bị thiệt hại mà không quy định cho hai đối tượng còn lại theo Điều 5. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quyền và nghĩa vụ của hai đối tượng này, là người thừa kế và người đại diện theo pháp luật vào Điều 13 cho phù hợp.

Thứ hai, tại Mục c, khoản 1 và Mục đ, khoản 2, Điều 14 quy định quyền và nghĩa vụ khác của người thi hành công vụ gây thiệt hại: Đề nghị quy định cụ thể nội dung khác là quyền và nghĩa vụ gì để làm cơ sở trong tổ chức và triển khai thực hiện.

Thứ ba, tại khoản 1, Điều 20 quy định phạm vi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp ra quyết định thi hành án tử hình đối với người có đủ điều kiện quy định tại Điều 40, Bộ luật Hình sự: Đề nghị cơ quan soạn thảo nêu cụ thể được quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều 40 của Bộ luật Hình sự, vì khoản 1 điều này chỉ giải thích từ ngữ tử hình là gì, không phải là nội dung quy định các trường hợp không thi hành án tử hình, nên dự thảo luật cần quy định lại để đảm bảo chính xác.

Thứ tư, tại Điều 23 dự thảo quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Theo dự thảo, các tài sản bị xâm phạm là bị phát mãi, bị mất và hư hỏng, thiệt hại phát sinh do không sử dụng và không khai thác, tài sản là các khoản tiền… Như vậy, tài sản được quy định tại điều này là vật, tiền và giấy tờ có giá. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Quyền tài sản quy định tại Điều 115 của Bộ luật Dân sự là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Như vậy, tài sản tại Điều 23 của dự thảo Luật chưa quy định đến quyền sở hữu trí tuệ, chưa bao quát đủ các hình thức tài sản. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét hai phương án:

Một là, bổ sung các nội dung quy định thiệt hại do các quyền sở hữu tài sản là sở hữu trí tuệ bị xâm hại vào điều này;

Hai là, trường hợp nếu chưa thể quản lý và thực hiện đối với đối tượng tài sản là quyền sở hữu trí tuệ thì nêu rõ trường hợp tài sản bị loại trừ này vào trong luật. Đó là cơ sở để có thể bổ sung trong trường hợp đưa vào đối tượng được điều chỉnh sau này.

Thứ năm, Điều 32 quy định các thiệt hại Nhà nước không bồi thường, trong đó có trường hợp tại Mục b, khoản 1 là thiệt hại xảy ra khách quan không thể lường trước được, không khắc phục được và Mục c, khoản 1 thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh nguy cơ đe dọa các lợi ích chính đáng làm xảy ra thiệt hại. Đây là hai trường hợp thiệt hại xảy ra cần được hỗ trợ một phần thiệt hại do tính khách quan và tất yếu phải bị thiệt hại. Thực tế thời gian qua Nhà nước cũng đã thể hiện tính nhân đạo và nhân văn trong việc hỗ trợ các đối tượng chịu thiệt hại một cách khách quan như thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho công tác hỗ trợ này, đề nghị bổ sung Mục d, khoản 1: Chính phủ quy định chi tiết việc xem xét và quyết định hỗ trợ vật chất cho đối tượng thiệt hại xảy ra trong trường hợp tại Mục b, Mục c ở khoản 1, Điều 32.

Thứ sáu, tại Mục e, khoản 3, Điều 41 và Điều 44 quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường, đây là quan điểm đúng đắn và phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế người bị hại. Tuy nhiên, các quy định về điều kiện tạm ứng chưa đủ cơ sở thực hiện và thiếu tính khả thi, cụ thể là Điều 44 quy định ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường trong trường hợp người giải quyết bồi thường có thể tính được ngay một khoản tiền bồi thường, vậy trường hợp tính được ngay là trường hợp nào và cơ sở nào để tính thì chưa thấy quy định trong dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung này.

Thứ bảy, Điều 59 về lập dự toán kinh phí bồi thường theo dự thảo hàng năm căn cứ số tiền bồi thường đã cấp phát thực tế của năm trước, cơ quan tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường để trình phê duyệt. Quy định này thuộc thủ tục về ứng trước dự toán ngân sách cho năm sau. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 57, Luật Ngân sách Nhà nước thì việc ứng trước dự toán ngân sách được thực hiện đối với các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách, mà không quy định ứng trước trong trường hợp thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét quy định nội dung luật cho phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.