.
LỄ HỘI VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH TIỀN GIANG LẦN THỨ 2 NĂM 2025

Để các di tích lịch sử - văn hóa là "bệ phóng" cho phát triển du lịch

Cập nhật: 09:41, 02/05/2025 (GMT+7)

Tiền Giang, vùng đất ven sông Tiền trù phú đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch miền Tây Nam bộ. Với vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km, cùng hệ sinh thái đa dạng, nền văn hóa đặc trưng và mạng lưới giao thông thủy bộ phát triển, Tiền Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả.

NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Tỉnh Tiền Giang sở hữu 3 vùng sinh thái đặc trưng: Hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái ngập mặn và hệ sinh thái ngập phèn. Mỗi vùng đều mang trong mình bản sắc riêng, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch phong phú. 

Trong đó, nổi bật là khu du lịch sinh thái Thới Sơn với hình ảnh đò chèo, miệt vườn xanh mát và đặc sản sông nước; Trại rắn Đồng Tâm - nơi bảo tồn và nghiên cứu hàng trăm loài rắn và bãi biển Tân Thành - điểm du lịch sinh thái biển đang ngày càng thu hút du khách bởi hoạt động cào nghêu, ẩm thực biển tươi ngon và không gian hoang sơ.

Tiền Giang không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên miệt vườn sông nước, mà còn sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc như: Khu di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, chùa Vĩnh Tràng, Lăng Hoàng Gia... 

Đây là những điểm đến quan trọng góp phần tái hiện lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam. Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, Tiền Giang đã đón khoảng 700.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn 300.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 480 tỷ đồng, cho thấy ngành Du lịch đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh còn chú trọng tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều tour, tuyến như TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cái Bè, Mekong tour Mỹ Tho - Bến Tre hay tuyến du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đang được khai thác hiệu quả, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực hợp tác thông qua các hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá hình ảnh du lịch Tiền Giang đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. 

Với tiềm năng đa dạng, sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng hành của doanh nghiệp, du lịch Tiền Giang đang trên đà chuyển mình mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách khi đến với miền Tây sông nước.

KHAI THÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ

Trong thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư vào hạ tầng và quảng bá du lịch, song phần lớn hoạt động vẫn tập trung ở du lịch sinh thái, sông nước. Các điểm du lịch văn hóa - lịch sử chưa thực sự được lồng ghép hiệu quả vào các tour tuyến liên kết. Một số nơi thiếu dịch vụ thuyết minh, trải nghiệm thực tế, dẫn đến sức hút chưa cao đối với du khách, nhất là giới trẻ và khách quốc tế. 

Đoàn khảo sát chương trình du lịch đường sông tham quan Khu di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút,  xã Kim Sơn, huyện Châu Thành).
Đoàn khảo sát chương trình du lịch đường sông tham quan Khu di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành.

Trong bối cảnh ngành Du lịch ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo và gắn kết chặt chẽ với bản sắc địa phương, tỉnh Tiền Giang được nhìn nhận là một vùng đất hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch di sản kết hợp công nghiệp văn hóa.

Vừa qua, tại Hội thảo Tham vấn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang do UBND tỉnh tổ chức ngày 29-4, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch theo hướng này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho biết: Thời gian qua, Tiền Giang đã cố gắng phát huy giá trị lịch sử - văn hóa trong du lịch nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, cũng như khai thác hết vai trò của các doanh nghiệp và người dân trong phát triển du lịch gắn liền với giá trị lịch sử - văn hóa. 

Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ có những giải pháp đột phá, chuyên đề, chu đáo về cơ sở vật chất, khoa học, cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với giá trị lịch sử - văn hóa.

Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm vai trò của các sự kiện, di tích lịch sử, nghiên cứu sâu sắc hơn về con người và đất Tiền Giang để có giải pháp hiệu quả mang tính chất lâu dài và có đề án để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư và phát huy vai trò cộng đồng của người dân. 

Tiền Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư du lịch đầu tư lâu dài gắn liền với lợi ích của địa phương và lợi ích của doanh nghiệp.

Một trong những nhóm giải pháp quan trọng được ông đề xuất là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Theo đó, du lịch Tiền Giang cần tạo dựng hệ thống tuyến - điểm tham quan gắn với các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: Đình, miếu, chùa cổ, làng nghề truyền thống, di tích cách mạng và nghệ thuật dân gian, đặc biệt là Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Các dịch vụ du lịch cũng cần được chuẩn hóa và nâng cao về chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Tiền Giang cần chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm du lịch, nghệ nhân, nhà thiết kế, người làm truyền thông - những người không chỉ am hiểu văn hóa địa phương, mà còn có khả năng sáng tạo nội dung du lịch hấp dẫn, ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc tạo dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch riêng cho Tiền Giang là cần thiết, từ đó tổ chức các sự kiện đặc sắc, các chương trình quảng bá nội địa và quốc tế. 

Đặc biệt, để phát huy hết tiềm năng du lịch của tỉnh, ông đề xuất cần tăng cường hợp tác và liên kết vùng - ngành. Tiền Giang không thể phát triển du lịch đơn lẻ, mà cần gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong và ngoài khu vực ĐBSCL, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Du lịch không chỉ là đi để ngắm cảnh mà còn là hành trình khám phá ký ức, văn hóa và sự kết nối giữa con người với thiên nhiên.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể  cũng được các chuyên gia quan tâm trong hội thảo vừa qua. Theo Tiến sĩ Văn hóa học Mai Mỹ Duyên, Giảng viên Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ CHí Minh cho rằng, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cần đặt trong chính môi trường sống tự nhiên và xã hội của cộng đồng. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, di sản chỉ thực sự sống khi được duy trì qua các hoạt động thường nhật như: Hát hò, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng hay truyền dạy giữa các thế hệ.

Một trong những giải pháp quan trọng là gắn kết bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội. DSVHPVT có thể trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra sản phẩm văn hóa độc đáo như: Thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống hay trình diễn nghệ thuật dân gian, góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa vùng đất Tiền Giang.

CAO THẮNG

.
.
.