.

Áo dài… kể chuyện

Cập nhật: 17:06, 01/05/2025 (GMT+7)

Có những ký ức không nằm trong tư liệu, trang sách mà bay bổng trong tà áo dài thấp thoáng cả dáng hình đất nước. Thời trang vốn gói trong mình cả ý niệm về thời gian, không gian, văn hóa, lịch sử, kinh tế… Chiếc áo dài vì thế cũng biến thiên dòng đời theo từng đổi thay của thời cuộc...

Nhân chứng của lòng kiên trung bất khuất

“Mày khai không? Khai thì sống, không là chết!”; “Ai biểu mày ngoan cố không chịu khai?”… - bọn địch vừa đánh vừa hét lên sau mỗi lần dứt khoát không chịu khai của cô gái 24 tuổi chỉ nặng 33kg đang mặc chiếc áo dài. Cô gái ấy là đồng chí Trương Mỹ Lệ, bí danh Tư Liêm, nguyên Quyền Bí thư Thành đoàn TPHCM, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Truyền thống Thành đoàn TPHCM. Cô Tư Liêm hoạt động cách mạng xuyên suốt từ 1960 đến 1975, có mặt trên từng giai đoạn chuyển biến của cách mạng. Cô có 2 lần bị địch bắt. Khi ấy, cô đóng vai sinh viên vừa đi học vừa đi dạy thêm, làm nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong trường học. Địch ập vào bắt khi cô vẫn đang mặc áo dài. 

Hơn 1.000 người trẻ mặc cổ phục Việt đồng diễn trong Ngày hội Tóc xanh vạt áo 2025 tại TPHCM .
Hơn 1.000 người trẻ mặc cổ phục Việt đồng diễn trong Ngày hội Tóc xanh vạt áo 2025 tại TPHCM .

Đã có một thế hệ người phụ nữ thủy chung với áo dài giữa làn bom lửa đạn. Cô Tư Liêm với chiếc áo dài trở thành chứng nhân lịch sử 2 lần cùng cô vào nhà giam. Sau này, hàng trăm lần áo dài cùng cô đến muôn nơi, đến các buổi làm việc hay tiếp xúc với người dân. Và khi ở tuổi 84, cô vẫn mặc áo dài cùng 10 cựu tù chính trị hòa ca Như có Bác trong ngày vui đại thắng tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2025, ôn lại những kỷ niệm hào hùng của một thời hoa lửa.

"Cả tuổi thơ, tôi sống trong hình ảnh mẹ sớm chiều đi về với tà áo dài. Khi bước chân ra thế giới, tôi thấy sứ mệnh áo dài cộng hưởng hình ảnh quê hương, đất nước".

                                                    NHÀ THIẾT KÉ NGUYỄN VIỆT HÙNG

Nữ tình báo viên Trịnh Thu Nga (sinh năm 1938, bí danh Út Huyền) cũng gắn bó cùng áo dài ở nghị trường hay những đoạn đường vận chuyển vũ khí vào nội thành. Từ năm 1956, bà làm việc ở Tổ Tốc ký nghị trường (vai trò như Thư ký Quốc hội) của Việt Nam Cộng hòa, ghi lại nguyên văn các thảo luận về kế hoạch, ngân sách chiến tranh, các đối sách, kế hoạch hành quân, đàn áp cách mạng… Nhiều tin tức bí mật, có ích cho cách mạng, thông qua bà được chuyển đến Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 12-1968, khi chuẩn bị gửi tài liệu về khu ủy, bà bị bắt lúc đang mặc áo dài. Bị tra tấn dã man, chiếc áo dài đẫm máu, nhưng bà không khuất phục. Chiếc áo dài trắng ngà loang vết máu đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.

Di sản của sự tinh tế duy mỹ

Nói về áo dài Việt Nam, chẳng ai lấy sách vở ra đo đếm ra đời khi nào? Do ai tạo ra?… Suốt dòng chảy của đất nước, tà áo dài có những tiếp biến, thay đổi về kiểu dáng, chất liệu để “hợp thời”. Dù ở thời kỳ nào, áo dài luôn hiện diện, gắn liền với phụ nữ Việt Nam, đi cùng các chị, các cô lên chính trường, ra quốc tế, vào lễ đình làng, theo mẹ xuống chợ, theo chị đi làm, theo em tới lớp… Áo dài linh hoạt như vậy đó. Thời trang luôn luôn vận động nhưng lạ lùng là áo dài chưa từng bị “lỗi mode” bao giờ, thích ứng được trong hầu hết hoàn cảnh cần sự nữ tính, duyên dáng, vừa linh hoạt như đi chợ khi lại trang trọng, thể hiện quốc hồn, quốc túy. Nhiều nhà thiết kế thời trang ngoại nhìn chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện muôn nơi, cảm thán: Áo dài có thể cân tất?!

Nhiều bạn trẻ mặt áo dài trong chương trình “Sắc màu Lễ hội Áo dài trên hành trình Metro” .
Nhiều bạn trẻ mặt áo dài trong chương trình “Sắc màu Lễ hội Áo dài trên hành trình Metro” .

Với người con đất Việt sống xa quê hương, áo dài còn là dáng hình xứ sở, còn có tình thân. Trong lòng bạn bè quốc tế, áo dài gợi nhớ một Việt Nam hiền hòa, yêu chuộng hòa bình. Hai từ “áo dài” được đưa nguyên bản vào Từ điển Oxford, khẳng định niềm kiêu hãnh người Việt. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng tự tin: Áo dài là một trong những trang phục truyền thống đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, duy trì bản sắc dân tộc. Trong toàn bộ quá trình phát triển, áo dài ẩn chứa tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, cho rằng từ 1975 đến 1989, áo dài vẫn xuất hiện nhưng thưa dần bởi thời đó ít ai nghĩ áo dài là di sản. Sau cuộc thi Hoa hậu Áo dài 1989, phong trào may, mặc, thiết kế áo dài trở lại. Đến nay, cùng những nỗ lực của Nhà nước, thành phố, các cơ quan ban ngành, nhà thiết kế và người dân, việc bảo tồn, tôn vinh giá trị áo dài đã tạo những dấu ấn đậm nét. Đặc biệt, Lễ hội Áo dài TPHCM với 11 lần tổ chức khẳng định giá trị bền vững của áo dài. Bà Nguyễn Thế Thanh nhận định: “Trong áo dài, tôi thấy dáng hình đất nước. Áo dài như sức sống quê hương, chứa đựng tâm hồn người Việt. Chúng ta phải trân trọng bởi đó là di sản”.

Áo dài không chỉ là màu của những sợi tơ mà còn là màu thời gian, là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và đương đại, thiên nhiên và con người. Khi khoác lên mình chiếc áo dài, mỗi người là một đại sứ văn hóa, kể câu chuyện về quê hương, về bản sắc.

(Theo www.sggp.org.vn)
 

.
.
.