Thứ Bảy, 28/12/2019, 21:41 (GMT+7)
.

Chung sức bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2019 lần thứ nhất năm 2019 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang gần đây đã bàn thảo nhiều giải pháp quan trọng để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị bên cạnh các Ủy viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tại các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL và Tây Nguyên, còn có đại diện các Bộ Nội vụ, Tài chính…

b
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang (Ảnh: VT).

 Là tỉnh còn nặng về sản xuất nông nghiệp và nằm cuối nguồn của sông Mê Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, Tiền Giang đã và đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức do biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công. Đây thực sự là những thách thức đáng lo ngại nhất đối với tỉnh Tiền Giang nói riêng và đối với ĐBSCL nói chung.

Những tác động này đã làm cho ĐBSCL của Việt Nam có thời điểm thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống người dân, gây thiệt hại kinh tế không hề nhỏ như đã từng xảy ra trước đây và nhất là vào năm 2016. 

Với nhận thức sâu sắc “Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá”, có vai trò to lớn đối với cuộc sống nhưng đang có nguy cơ cạn kiệt và suy thoái, tỉnh Tiền Giang đã xác định việc đảm bảo nguồn nước là điều kiện tiên quyết, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững.

Do vậy, để góp phần bảo vệ đồng bằng, bảo vệ lưu vực, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên và quan trọng nhất là bảo vệ được nguồn tài nguyên nước, duy trì sinh kế bền vững cho người dân trong vùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 96 nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, đẩy mạnh Chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xác định phải hoàn thiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; từng bước xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt, xâm nhập mặn theo kịch bản nước biển dâng của tỉnh Tiền Giang đến cấp xã, nhất là vùng ven biển để có các biện pháp thích ứng và ứng phó phù hợp…

Tại hội nghị, các đại biểu được đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động và chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; tham vấn cho Dự án Thủy điện Pắc Lay của Lào, dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Công; báo cáo đánh giá đề xuất các giải pháp thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tăng cường hợp tác trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công và tình hình sử dụng nước, chuyển nước của Thái Lan.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia đã nêu những ý kiến khẳng định vai trò, vị trí của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu đặt ra vấn đề trong chủ trương, định hướng giải quyết các vấn đề sông Mê Công Việt Nam cần phải có giải pháp toàn diện; cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao vai trò của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; phân công cơ quan nào có năng lực điều phối, tập hợp lực lượng có thể giải quyết những vấn đề đặt ra đối với liên vùng, giải quyết những đề án, dự án quy hoạch trong dài hạn, tham gia với Chính phủ trong hoạt động đối ngoại liên quan đến sử dụng nguồn nước sông Mê Công.

C
Chung sức bảo vệ nguồn tài nguyên nước sông Mê Công.

Trong bối cảnh Hội nghị toàn thể Ủy ban được tổ chức ngay sau Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, các đại biểu đã tập trung góp ý về yêu cầu nâng cao tiếng nói của Ủy ban trong các đề án, dự án lớn ở ĐBSCL và Tây Nguyên, đặc biệt là các đề án, dự án và các đề xuất về thể chế và tổ chức có tính chất liên vùng, liên địa phương; trong xử lý các vấn đề có tính xuyên biên giới, đặc biệt với Campuchia; tham gia nghiên cứu và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề lớn ở ĐBSCL như sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn…

Trong tình hình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP cần mạnh dạn đóng một vai trò tích cực, chủ đạo và mạnh mẽ hơn nữa trong các cơ chế điều phối liên vùng ở ĐBSCL của Việt Nam và trong các sáng kiến hợp tác tiểu vùng hiện nay, đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin và truyền thông…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam ghi nhận nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của tất cả các lãnh đạo Ủy ban và Ủy viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong đóng góp cho các hoạt động của Ủy ban và trong bối cảnh lưu vực ngày càng có nhiều thách thức to lớn, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao rất quyết liệt, Ủy ban cần chú trọng các hoạt động ưu tiên sau: Tiếp tục chuyển mình, đổi mới và không ngừng nâng cấp và kiện toàn để có thể đáp ứng được nhiệm vụ mới của lãnh đạo và đòi hỏi mới trong lưu vực.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện và vận dụng hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 nhằm bảo vệ lợi ích của ta, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong lưu vực, góp phần đảm bảo phát triển bền vững trong lưu vực; tăng cường nâng cấp mạng lưới giám sát xuyên biên giới, xây dựng cơ sở số liệu vùng, tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin; chủ động đóng góp ý kiến cho các hoạt động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP tại các bộ, ngành và địa phương; tăng cường quan hệ trao đổi hữu nghị trong vùng và công tác truyền thông.

P.V

.
.
.