Thứ Hai, 23/12/2019, 06:36 (GMT+7)
.

Tham vấn Dự án Thủy điện Luông Prabang của Lào

Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Hội thảo tham vấn quốc gia Dự án Thủy điện dòng chính Luông Prabang của Lào đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 4-11-2019.

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, vào ngày 31-7-2019, Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án Thủy điện Luông Prabang của Lào trên dòng chính sông Mê Công.

Căn cứ Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Công (năm 1995) và thông tin từ tài liệu của Lào, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án Thủy điện Luông Prabang từ ngày 8-10-2019 theo quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Thứ trưởng

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì hội thảo.

Sau giai đoạn tham vấn đầu ở cấp vùng ít nhất trong thời gian 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả các vòng tham vấn quốc gia và vùng, xem xét ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên nhằm quyết định sẽ tiếp tục tham vấn hay tiến tới thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về các kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

Công trình Luông Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm tại Km 2.036 cách biên giới Việt Nam 1.785 km. Các thông số chính của công trình bao gồm diện tích lưu vực 231.329 km, tổng dung tích hồ chứa 1.256 triệu m3, công suất thiết kế 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam.

Chủ đầu tư của Dự án là Công ty TNHH Năng lượng Luông Prabang của Lào, bao gồm 2 cổ đông là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu và Công ty TNHH PT của Lào nắm giữ 37%. Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn. Dự kiến sau quá trình tham vấn trước (tháng 4-2020), công trình sẽ được khởi công xây dựng từ ngày 1-7-2020 và hoàn thành phát điện vào quý III năm 2027.

Ở vùng thượng nguồn sông Mê Công, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có 2 hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nội Trác Độ. Hiện cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng hạ lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị
Quang cảnh hội thảo.

Các công trình thủy điện của Trung Quốc mặc dù nằm cách xa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhưng được quan ngại là nguyên nhân gây tác động rất lớn tới phù sa bùn cát về phía hạ du, cụ thể là lưu giữ tới hơn 50% tổng lượng phù sa bùn cát hằng năm của lưu vực sông Mê Công và quan trọng hơn nữa tác động này là không thể khắc phục do các công trình của Trung Quốc hiện nay đã được hoàn thành.

Tại vùng hạ lưu sông Mê Công, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình, Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới 2 nước; và Campuchia có 2 công trình. Tới nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xay-nha-bu-ly và Độn Sa-hộng và Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tiến hành tham vấn vùng cho 2 công trình là Pắc-Beng và Pắc-Lay.

Về tác động của công trình thủy điện Luông Prabang, mặc dù tác động riêng công trình thủy điện Luông Prabang có thể là không lớn do ở xa Việt Nam, những tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông Mê Công là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam.

Tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Công quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này.

Với tiềm năng thủy điện trên sông Mê Công của Lào, để góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong bối cảnh khó khăn của quốc gia, Lào vẫn đặt phát triển thủy điện lên ưu tiên hàng đầu và kêu gọi đầu tư.

Hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư tại Lào, đặc biệt là về thủy điện. Việc tham gia đầu tư của Việt Nam trong Dự án Thủy điện Luông Prabang đã được cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng mọi khía cạnh cả về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Điều này thể hiện sự xem xét cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định đối với phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công.

Với quyết định này, Việt Nam có thể chủ động tham gia từ giai đoạn thiết kế, đến xây dựng và vận hành công trình, chủ động nghiên cứu giám sát tác động; đồng thời, triển khai và thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu tác động về phía hạ du, đặc biệt là đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

PV

(Còn tiếp)

.
.
.