Thứ Bảy, 26/08/2023, 11:55 (GMT+7)
.

Rà soát, điều chỉnh lỗ hổng quản lý

Tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi và nguy hiểm, rất cần "bàn tay sắt" của pháp luật đấu tranh, kiềm tỏa. Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần các giải pháp trấn áp và ngăn chặn tội phạm, bảo vệ người dân, đất nước.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).

 - Thưa đồng chí, tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Trước tình trạng đó, đơn vị đã tiến hành các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý như thế nào?

- Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tập trung tham mưu Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đơn vị chúng tôi tham mưu triển khai Luật An ninh mạng và các nghị định liên quan Luật An ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lực lượng chuyên trách cũng thường xuyên rà quét, kiểm tra an ninh các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia, kịp thời phát hiện các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật để phối hợp các đơn vị chủ quản khắc phục, ngăn chặn hành vi tấn công mạng, xâm nhập chiếm đoạt thông tin, dữ liệu cá nhân.

Một nhiệm vụ nữa là tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây liên quan hành vi chiếm đoạt, đánh cắp, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Thời gian qua, chúng tôi đã đấu tranh, khởi tố 15 vụ án với 43 bị can, trong đó, phát hiện một đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô rất lớn, hoạt động bài bản, với hơn 6.000 người tham gia.

- Thưa đồng chí, các quy định hiện hành của luật pháp đã đủ sức răn đe đối tượng vi phạm?

- Với các hành vi phạm pháp, sẽ căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý. Ngoài ra, còn căn cứ để xử phạt là Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Một khía cạnh khác, việc mua bán dữ liệu cá nhân thời gian qua diễn biến phức tạp. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng quyền quản trị, truy cập hệ thống được cấp để trích xuất dữ liệu trái phép. Thêm nữa, một số doanh nghiệp khai thác, sử dụng trái phép dữ liệu khách hàng để cung cấp cho bên thứ ba, nhằm thu lợi bất chính. Việc bị lộ thông tin cá nhân có thể dẫn đến nhiều hậu quả; đối tượng xấu có thể lợi dụng để tiến hành các hoạt động phạm tội như khủng bố, tống tiền, mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm...

Về chế tài, tuy đã có một số quy định về chế tài xử phạt những hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân nhưng vẫn thiếu quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều đó gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các hành vi phạm tội. Ngày 1/7/2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành. Về lâu dài, Bộ Công an sẽ đề xuất xây dựng, ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Một đường dây lừa đảo qua mạng bị công an tỉnh Thừa Thiên Huế triệt phá. Ảnh: Hồng Nhung
Một đường dây lừa đảo qua mạng bị công an tỉnh Thừa Thiên Huế triệt phá. Ảnh: Hồng Nhung

- Thưa đồng chí, để đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm công nghệ cao, chúng ta sẽ cần một giải pháp mang tính tổng thể?

- Như đã nói, ngoài hoàn thiện công cụ pháp lý, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tập trung rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, tài chính, ngân hàng, viễn thông, internet... Chúng tôi cũng tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo qua không gian mạng để kịp thời tham mưu và đề ra các giải pháp khắc phục.

Bộ Công an kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông quản lý chặt chẽ các cuộc gọi quốc tế chiều về Việt Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cuộc gọi giả mạo; siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước; phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu nhanh chóng theo yêu cầu của cơ quan Công an; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, ngân hàng thương mại nâng cao trách nhiệm, phối hợp Bộ Công an trong công tác điều tra, xử lý, phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng chỉ đạo lực lượng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các địa phương tăng cường nắm tình hình; đấu tranh, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tăng cường phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải bài viết tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức của nhân dân về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm tinh vi này. Để đạt hiệu quả cao cũng cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, sự hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế.

-Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Theo nhandan.vn)


 
.
.
.