Thứ Hai, 23/05/2022, 10:06 (GMT+7)
.

Tiền Giang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

Vai trò của phụ nữ ngày càng được coi trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp của phụ nữ không chỉ giúp “giữ lửa” cho mỗi gia đình, mà còn góp phần tạo dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế và sự tiến bộ, văn minh xã hội.

Hội LHPN tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.  Ảnh: P. Mai
Hội LHPN tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: P. MAI

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, vai trò của phụ nữ càng được tô đậm và lan tỏa mạnh mẽ. Điều này đặt ra nhu cầu thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG), khắc phục sự gia tăng bạo lực giới và hướng đến đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần làm giảm những tác động xấu do đại dịch gây ra đối với phụ nữ.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong một thời gian dài, trước khi có Chiến lược quốc gia về BĐG, trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng tồn tại những vấn đề bất BĐG, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tỷ lệ nữ lao động được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ quá chênh lệch so với nam giới; tỷ lệ nữ tham gia chính trị còn thấp; nhiều nơi không có lãnh đạo chủ chốt là nữ, định kiến giới trong bố trí, sắp xếp, tuyển dụng người lao động; tư tưởng trọng nam, khinh nữ…

Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ, cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa cơ hội để đạt bình đẳng thực chất. Vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới còn tồn tại ở một số nơi, một số lĩnh vực, gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bất BĐG cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình.

Hội LHPN tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.                                                                                  Ảnh: P. Mai
Hội LHPN tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: P. Mai

Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là những phụ nữ đang ở tuyến đầu chống dịch và phụ nữ làm việc trong các ngành nghề ít được quan tâm, hỗ trợ, những công việc lương thấp và trong lĩnh vực phi kinh tế. Những hệ lụy do dịch bệnh gây ra đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ, gây thách thức cho việc thực hiện công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ.

THÚC ĐẨY BĐG THỰC CHẤT

BĐG là vấn đề được đặc biệt quan tâm, một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Do đó, Tiền Giang xác định để thúc đẩy BĐG thực chất cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐG là hết sức cần thiết.

UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để đạt mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng tiến tới BĐG. Đồng thời, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực đời sống gia đình, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững tỉnh nhà. Kế hoạch cũng đã đề ra những chỉ tiêu cụ thể và nhiều giải pháp đồng bộ. Phân công trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới nhằm khẳng định những ưu tiên và cam kết trong việc thúc đẩy BĐG thực chất.

Những năm gần đây, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, như: Tuyên truyền về giới; Luật BĐG; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Trẻ em…

Chủ động xây dựng nội dung, phương pháp triển khai phù hợp từng đối tượng tuyên truyền nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về BĐG. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, như: Truyền thông tại cộng đồng; tọa đàm, diễn đàn; tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình… Từ đó làm thay đổi những suy nghĩ an phận, tự ti, cam chịu của phụ nữ, chuyển sang suy nghĩ và hành động tích cực tác động đến công tác BĐG.

Hội LHPN tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.  Ảnh: P. Mai
Hội LHPN tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: P. Mai

Bên cạnh đó, với việc triển khai các chương trình hành động, giải pháp đồng bộ, bằng nỗ lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đã tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ, bình đẳng trong gia đình và trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Về cơ bản đã bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết quả thể hiện rõ qua việc Tiền Giang có nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, như sau: Đại biểu Quốc hội: Nữ 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%; HĐND cấp tỉnh: Nữ 17/61 đại biểu, chiếm tỷ lệ 27,87%; HĐND cấp huyện, thành, thị: Nữ có 114/365 đại biểu, chiếm tỷ lệ 31,23%; HĐND cấp xã, phường, thị trấn: Nữ có 1.300/4.468 đại biểu, chiếm tỷ lệ 29,10%.

Đặc biệt, năm 2021, Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.

Cùng với thông điệp này, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung trọng tâm là tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, vai trò của việc tăng quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái trong việc thúc đẩy BĐG.

Chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch đảm bảo kịp thời. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ BĐG và ứng phó với bạo lực giới tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. Huy động nguồn lực để truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột.

HỮU NGHỊ

.
.
.