Thứ Tư, 25/11/2020, 10:01 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh

Lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước nhưng lại tăng rất nhanh. Riêng Tiền Giang, tình trạng MCBGTKS có xu hướng giảm nhưng để duy trì kết quả đạt được thì công tác dân số của tỉnh vẫn đang tập trung giải quyết vấn đề MCBGTKS.

TÌNH TRẠNG MCBGT

Từ năm 2006, Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng MCBGTKS với tỷ số giới tính khi sinh là 109 bé trai/100 bé gái (sinh ra sống); năm 2013 là 113 bé trai/bé gái và đến năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/bé gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 đã giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao so với tỷ số “tự nhiên” là 103 - 107 bé trai/100 bé gái.

Đối với Tiền Giang hiện vẫn có tỷ số giới tính khi sinh cao. Theo kết quả thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2016 là 109,6 bé trai/100 bé gái; đến 9 tháng năm 2020, tỷ số này của tỉnh đã giảm còn 108,88 bé trai/100 bé gái. Kết quả cho thấy, tỉnh đã bước đầu kiểm soát được mức tăng tỷ số giới tính khi sinh, hằng năm đạt kế hoạch về tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Tuần hành tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về MCBGTKS trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Tuần hành tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về MCBGTKS trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

Nguyên nhân của tình trạng MCBGTKS vẫn ở mức cao được xác định do một số nơi cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng cũng như  ý nghĩa của công tác DS-KHHGĐ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên là nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất dẫn tới tình trạng MCBGTKS.

Theo các chuyên gia dân số, MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống gia đình và xã hội. Lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ, tăng bất bình đẳng giới. Thừa nam, thiếu nữ là nguyên nhân làm tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em…

TUYÊN TRUYỀN NHẰM KÉO GIẢM MCBGTKS

Nhằm giảm tỷ lệ MCBGTKS, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi, hệ lụy của việc MCBGTKS, mỗi gia đình chỉ nên sinh đủ 2 con...

Để giải quyết gốc rễ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, từ năm 2019, ngành Dân số tỉnh đã mở rộng hoạt động tuyên truyền hướng đến nhóm đối tượng là những người cao tuổi, người có uy tín trong các dòng họ, ấp, khu phố, khu dân cư. Đến nay, ngành đã phối hợp tổ chức hướng dẫn lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS vào trong các bản hương ước, quy ước của ấp, khu phố, khu dân cư.

Bên cạnh đó, ngành Dân số tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hướng đến nhóm đối tượng là học sinh THCS, THPT và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thông qua nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, MCBGTKS và sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái... Việc tuyên truyền về MCBGTKS cũng được tổ chức lồng ghép trong các ngày truyền thống như Ngày Dân số thế giới, Tránh thai thế giới, Quốc tế người cao tuổi, Quốc tế trẻ em gái, Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thời gian tới, ngành Dân số tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số và kiểm soát MCBGTKS. Đẩy mạnh truyền thông tới các đối tượng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, ông bà, cha mẹ, những người có uy tín trong cộng đồng về giới, bình đẳng giới và MCBGTKS. Tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về các dịch vụ y tế, đặc biệt là siêu âm, xét nghiệm xác định giới tính thai nhi để tránh việc lựa chọn giới tính trước sinh.

P. NGHI

.
.
.