Thứ Tư, 23/08/2023, 10:07 (GMT+7)
.

Tự tin bước vào năm học mới

Bằng tinh thần cộng đồng trách nhiệm, với quyết tâm cao, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đề ra. Hiện tại, toàn ngành GD-ĐT huyện tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, năm học 2022 - 2023, toàn ngành GD-ĐT huyện Châu Thành đã tập trung đổi mới công tác quản lý, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục ổn định; công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới và đạt hiệu quả tích cực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng thiết thực và chuẩn hóa.

CHẤT LƯỢNG CÁC BẬC HỌC NÂNG LÊN

Châu Thành là một trong những địa phương có số lượng trường, lớp và học sinh nhiều nhất tỉnh. Theo thống kê, toàn huyện có 57 cơ sở giáo dục; trong đó, có 23 trường mầm non, 21 trường tiểu học và 14 trường THCS với trên 37 ngàn học sinh. Trong năm học vừa qua, ngành GD-ĐT huyện đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục đồng bộ góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT với nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Huyện Châu Thành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT  (ảnh chụp tại Trường THCS Đông Hòa).
Huyện Châu Thành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT (ảnh chụp tại Trường THCS Đông Hòa).

Ở cấp học mầm non, các trường tiếp tục thực hiện đổi mới, tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục mầm non vào các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ.

Nhờ vậy, trong năm học qua, 100% trường, nhóm, lớp mầm non công lập thực hiện Chương trình giáo dục mầm non ổn định và nâng cao chất lượng; 100% trẻ đến trường được học Chương trình giáo dục mầm non và học 2 buổi/ngày; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình theo quy định, giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Ở bậc tiểu học, các trường tiểu học thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học; tạo mọi điều kiện cho trẻ phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt tập thể. Bên cạnh đó, các trường thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt trong giảng dạy, tổ chức các buổi sinh hoạt tổ, khối chuyên môn đúng điều lệ trường tiểu học, đặc biệt là chú trọng bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Nhờ vậy, trong năm học vừa qua có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 98,8% học sinh hoàn thành chương trình lớp học trở lên; hiệu quả đào tạo đạt 96,7%, tăng 0,5% so với năm học trước.

Ở bậc THCS, 14 trường THCS đã xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018; trong năm học tổ chức được 28 buổi sinh hoạt chuyên đề và hội giảng cho tất cả các môn trên toàn huyện. Các trường triển khai nội dung giáo dục địa phương, các hoạt động lồng ghép, tích hợp thực hiện đúng chỉ đạo và gắn liền nội dung giảng dạy của từng bộ môn. Kết quả, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá trên 99,87%; tỷ lệ học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên 98,86%; 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS, hiệu quả đào tạo 88,98%.

Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được ngành đặc biệt quan tâm. Toàn ngành GD-ĐT huyện hiện có 1.765 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong mỗi năm học, ngành cũng đã triển khai và thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của ngành, trong đó chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ các môn mới trong Chương trình GDPT 2018.

TẬP TRUNG CHO NĂM HỌC MỚI

Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, bên cạnh những thuận lợi, ngành GD-ĐT huyện còn một số khó khăn: Thứ nhất là số lượng người làm việc còn thiếu so với số giao 200 người. Việc xét tuyển viên chức theo chỉ tiêu nhu cầu nhưng nguồn không có đủ theo chuyên môn cần tuyển. Thứ hai là việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao còn khó khăn, vì nguồn vốn đầu tư hằng năm không đủ đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất trường học theo chuẩn quốc gia, một số đơn vị chưa quy hoạch được quỹ đất xây dựng và diện tích đất của một số trường chưa đủ theo quy định.

Trong năm học 2022 - 2023, huyện Châu Thành có thêm 2 Trường THCS Phú Phong và Mầm non Bình Trưng được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay toàn huyện có 38/60 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 63,3% gồm 13 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 12 trường THCS. Hiện tại các trường đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục các Trường Mầm non Hữu Đạo và Tiểu học Đông Hòa.

Chính vì vậy, để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, ngành GD-ĐT đã tập trung vào 2 việc, đó là  đầu tư xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và tập trung tuyển mới số lượng giáo viên hiện đang thiếu cho các cơ sở giáo dục. Để chuẩn bị cho năm học mới, trong năm 2023, được sự chấp thuận của UBND huyện Châu Thành, ngành GD-ĐT đã khảo sát cơ sở vật chất, tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất tại 5 trường gồm: THCS Tân Hương, Tiểu học Tam Hiệp, Tiểu học - THCS Long An, Mầm non Hữu Đạo và Mầm non Thân Cửu Nghĩa với kinh phí khoảng 3,1 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp GD-ĐT. Cùng với công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo các trường học của huyện đã khang trang hơn rất nhiều.

Bên cạnh tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp khang trang sạch đẹp; hiện tại ngành GD-ĐT đang rà soát, chuẩn hóa và bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên. Theo đó, ngành tích cực phối hợp với ngành Nội vụ tập trung tuyển dụng nguồn giáo viên đang thiếu. So với số lượng hiện tại cũng như công tác dự báo tình hình ở các bậc học sắp tới, trong năm học mới này, toàn huyện Châu Thành sẽ tuyển gần 200 giáo viên, nhân viên ở các bậc học để bổ sung vào nguồn giáo viên cho các trường. Toàn ngành GD-ĐT tiếp tục tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Đồng chí Võ Văn Dũng cho biết, năm học 2023 - 2024, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT huyện là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chương trình GDPT mới ở các lớp 4, 8; chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai ở khối lớp 5 và 9 ở năm học kế tiếp. Bậc giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng.

ĐỖ PHI

.
.
.