Thứ Hai, 18/05/2020, 10:06 (GMT+7)
.

Kỷ niệm về Bác của những người con Tiền Giang

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Những ai đã từng may mắn được gặp Bác, những lời dạy bảo ân cần của Bác là những bài học giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, quý giá. Còn với những ai chưa có may mắn được gặp Bác, sau khi được nghe những câu chuyện kể về Bác, đã động viên mình luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù thời gian có trôi qua, nhưng sẽ còn mãi những kỷ niệm trong các thế hệ người dân Việt Nam nói chung, những người con Tiền Giang nói riêng luôn nhớ về Bác với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc.

xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Tuấn Lâm

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người dân Gò Công rất phấn khởi, tinh thần cách mạng lên rất cao, rất hân hoan, nhưng chưa biết vị lãnh tụ cách mạng là ai, Hồ Chí Minh là người như thế nào? Đã được chuẩn bị từ trước, ngày 2-9-1945, người dân Gò Công từ khắp các thôn, xóm rầm rộ kéo về nhà việc làng Thành phố (nay là trụ sở UBND thị xã) dự mít tinh, để được nghe, được biết Lãnh tụ Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, do phương tiện kỹ thuật không bắt được sóng của đài trung ương, nên đồng chí Nguyễn Văn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công đã thông báo cho mọi người biết Hồ Chí Minh chính là Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao của Việt Minh… Biết tin này, nhân dân rất vui mừng và đồng loạt hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Kể từ đây, cái tên Hồ Chí Minh đã ngự trị trong hàng ngàn, hàng vạn trái tim của nhân dân Gò Công.

Mùa Thu năm 1945, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Gò Công đã tổ chức “Tuần lễ vàng” được 550.000 đồng Đông Dương để ủng hộ cách mạng. Đến tháng 10-1945, thể theo nguyện vọng của nhân dân, một sự kiện yêu nước lớn được tổ chức trên quê hương Gò Công, đó là “Cuộc triển lãm cứu quốc”, được tổ chức lại đình Trung (nay thuộc TX. Gò Công) để bán đấu giá những tặng vật của nhân dân lấy tiền góp vào Quỹ Cứu quốc.

Tại đây, nhân sĩ Trương Văn Huyên đã thật sự xúc động trước lòng yêu nước của một họa sĩ đã dùng chính máu mình để vẽ chân dung vị lãnh tụ tối cao của cách mạng như một minh chứng về lòng yêu nước. Ông Trương Văn Huyên đã mua bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ của họa sĩ Hoàng Tuyển  với giá 15.000 đồng Đông Dương (tương đương với 10.000 giạ lúa thời bấy giờ) như là sự đóng góp cho cách mạng.

Tấm lòng kính yêu Bác Hồ của nhân dân huyện Cái Bè thể hiện với nhiều hình thức, trong đó có việc lưu giữ “giấy bạc Cụ Hồ” trong nhân dân. Loại giấy bạc này được lưu hành cả nước từ tháng 3-1946, đến năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết thì “giấy bạc Cụ Hồ” không còn sử dụng ở miền Nam.

Tuy nhiên, có nhiều người dân trong huyện Cái Bè vẫn lưu giữ lại tiền Cụ Hồ, trong đó có gia đình ông Mai Văn Bàng, ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Thiện (nay là xã Thiện Trí) cất 50.000 đồng tiền Cụ Hồ trong chai thủy tinh, chôn ngay dưới bàn thờ tổ tiên từ tháng 8-1954; đến tháng 5-1975, ông Bàng đào 2 chai này lên, mang tặng cho một số gia đình chưa có ảnh Bác Hồ để thờ trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên ghế nghi giữa nhà.

Bà Nguyễn Thị Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, người con của xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, là vợ của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, gia đình bà là 1 trong 4 gia đình ở xã Lương Hòa Lạc đã “toàn gia kháng chiến”. Lúc đầu bà tham gia công tác ở Hội Phụ nữ Cứu quốc xã, sau đó bà thoát ly vào Đồng Tháp Mười công tác ở Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Nam bộ.

Tại đây, bà được kết nạp vào Đảng, được phân công công tác ở Hội Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ và kiêm nhiệm vụ đại diện cho nữ thanh niên trong Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc Nam bộ. Năm 1967, bà bị địch bắt, bị tra tấn dã man, nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cuối năm 1967, bà được trao trả và trở về vùng căn cứ cách mạng tiếp tục hoạt động.

Giữa năm 1968, bà được Trung ương Cục cử làm Phó đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi đến thủ đô Hà Nội chuẩn bị lên đường sang Paris, bà hết sức bất ngờ khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc gặp gỡ này, bà được Bác hỏi thăm về sức khỏe và sinh hoạt của bà ở Hà Nội, hỏi thăm sức khỏe của gia đình, tình hình cách mạng miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968, về tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) có Chiến thắng Ấp Bắc anh hùng…

Giọng nói ấm áp và sự quan tâm của Bác như truyền thêm cho bà niềm hy vọng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đồng bào cả nước đang ra sức thực hiện. Cuộc gặp gỡ lịch sử ấy của người con gái Lương Hòa Lạc với Bác Hồ kính yêu đã khắc sâu vào tâm khảm của bà. Từ đó, bà thường nói với mọi người rằng: “Được gặp Bác Hồ là niềm hạnh phúc lớn trong đời tôi!”.

Đối với người con miền Nam, được  gặp Bác Hồ, dù chỉ được gặp 1 lần đã là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Vậy mà, ông Lê Văn Hữu, thương binh ¼, ngụ ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo đã có đến 3 lần vinh dự được gặp Bác trong thời gian ông công tác ở miền Bắc. Năm 18 tuổi, ông tham gia cách mạng, đến năm 1950 ông bị giặc bắt và bị giam giữ ở nhiều nơi từ Mỹ Tho, Cần Thơ, Biên Hòa và bị đày sang tỉnh Phong Xa Lì của Lào…

Sau khi vượt ngục, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời gian tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 45, thuộc Sư đoàn 351, do có nhiều thành tích nên ông được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua, được cử tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quân vào năm 1961. Trong tất cả 3 lần được gặp Bác, có 2 lần ông chỉ được ngắm Bác Hồ từ xa, được nghe những lời Bác dạy và có 1 lần vinh dự được đối diện cùng Bác là khi đơn vị ông đóng gần Đền Hùng, trung đội ông đang tập luyện, bất ngờ được gặp Bác.

Tại đây, Bác quan sát trung đội đang tập luyện, rồi cười đôn hậu và hỏi: Đố mấy chú ở dưới lên đây có bao nhiêu bậc? Cả trung đội đều ngớ người vì không thể trả lời câu hỏi của Bác… Với nụ cười thông cảm, Bác nói: Từ dưới lên đây có 79 bậc. Khi ấy, ông vô cùng khâm phục Bác và lại giận bản thân mình, vì luyện tập ở nơi này nhiều mà không để ý những chi tiết nhỏ. Từ đó, trong công việc, ông luôn quan sát, nắm vững thực tế, luôn học hỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ.

 HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.