Thứ Sáu, 15/05/2020, 18:11 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2020)

Bác về thăm quê

Lúc sinh thời, mặc dù bận rất nhiều việc, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bác Hồ luôn dành tình cảm sâu nặng đối với quê hương - nơi có núi Hồng, sông Lam hiền hòa thơ mộng, với làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha.

Mặc dù xa quê hơn nửa thế kỷ, đi nhiều nước trên thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng Bác vẫn giữ nguyên những thói quen sinh hoạt, giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp đã được hun đúc từ quê hương. Bác vẫn thích dùng tương Nam Đàn, cà pháo Nghi Lộc và thường đem thết đãi khách quý những món ăn dân dã của quê hương. Bác đã sống một cuộc sống giản dị, thanh đạm, tiết kiệm từ thời niên thiếu cho đến cuối đời.

Bà con xã Kim Liên đón Người về thăm (năm 1957).
Bà con xã Kim Liên đón Người về thăm (năm 1957).

Với quê hương Nghệ An, dù rất nặng lòng thương nhớ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ về thăm được 2 lần sau hơn 50 năm xa cách. Những hình ảnh, kỷ niệm, tình cảm của Người mãi in sâu đậm trong lòng nhân dân xứ Nghệ.

CHUYẾN TRỞ VỀ SAU HƠN 50 NĂM XA CÁCH

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, mặc dù bận rộn với bộn bề công việc, chiến tranh ngày càng ác liệt, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu nặng đối với quê hương - tỉnh Nghệ An. Lời xúc động được thốt lên khi Bác trở về thăm nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn sau hơn 50 năm xa cách.

“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao
nhiêu tình!”.

Từ ngày 13 đến 15-6-1957, Người đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các đơn vị quân đội tại Quân khu IV. Đây cũng là lần đầu tiên Người về thăm quê hương Nghệ An kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước. Người về thăm quê hương trong niềm mong chờ của nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Bác Hồ đã có cuộc nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An. Trong cuộc nói chuyện này, Bác nói: “Đã lâu về quê hương, thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi, mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại, thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc chúng ta nói chung, Nghệ An nói riêng là những công dân tự do, làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất”.

Nghe tin ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh ruột của Bác Hồ) mất, ngày 9-11-1950, Bác gửi một bức điện về cho dòng họ Nguyễn Sinh: Nghe tin Anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ (không trọn tình anh em) trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng (tha thứ) cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.

Ngày 16-6-1957, Bác về thăm quê, hôm ấy, trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su Bác trở về quê sau hơn 50 năm xa cách. Khi lãnh đạo tỉnh và xã mời Bác về nhà khách nghỉ, Bác cười đôn hậu: Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà. Nói rồi Bác bước nhanh về nhà mình. Bác đi như đi theo ký ức tuổi thơ qua những lối nhỏ trong làng.

Mọi người đưa Bác đến cổng vào nhà. Bác ngừng lại thoáng chốc và bảo: Cổng ngày xưa ở chỗ kia. Ngay cạnh cổng tre khi ấy có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”. Nhìn tấm bảng xong, Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo:  Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu. Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà.

Bác bước đến gian thờ cúng gia tiên. Nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc…

Ở những nơi Bác đến thăm, Bác khen ngợi những thành tích mà nhân dân quê nhà đã đạt được và nhắc nhở đồng bào, cán bộ phải ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành nghề khác.

CHUYẾN TRỞ VỀ LẦN THỨ HAI

4 năm sau lần đầu về thăm quê, ngày 8-12-1961 Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đúng 12 giờ 30 phút máy bay chở Bác hạ cánh xuống sân bay Vinh. Sau khi Bác xuống máy bay, các đồng chí lãnh đạo địa phương mời Bác lên một chiếc ô tô kết hoa rực rỡ đợi sẵn ngoài cổng. Bác nhìn quanh một lượt và bất ngờ tiến đến chiếc xe Uoat của bộ phận bảo vệ, nhanh chóng ngồi lên phía trước xe và bảo cảnh vệ tháo tấm bạt che bên trên để Bác có thể vẫy chào đồng bào đang đón ở hai bên đường.

Trong lần về thăm quê thứ hai này, Bác Hồ có cuộc nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, thăm Nhà máy cơ khí Vinh và nói chuyện với đại diện nhân dân trong tỉnh tại cuộc Mít tinh chào mừng Người về thăm quê tại sân vận động thị xã Vinh.

Bác về Kim Liên, nhưng một điều bất ngờ không có trong kế hoạch là Bác quyết định về thăm làng Hoàng Trù quê ngoại trước. Bác gặp ông Luốc (Thuyên) - người bạn thuở ấu thơ - nhắc lại kỷ niệm thuở nhỏ đi câu cá, vô tình Luốc giật lưỡi câu làm rách tai, nay vẫn còn sẹo, làm mọi người hết sức ngạc nhiên về trí nhớ kỳ lạ của Bác.

Về làng Sen quê nội, Bác hỏi thăm hoàn cảnh một láng giềng nghèo khổ, hỏi về giếng Cốc, lò rèn của cụ cố Điền. Ra nhà khách, Bác tự tay rót nước mời các cụ. Nói chuyện với mọi người, Bác phấn khởi khen xã Nam Liên đã làm tốt lời Bác dạy, trong 3 năm liên tục được Chính phủ tặng 3 Huân chương về tổ đổi công, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và xóa nạn mù chữ.

Bác còn đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành - đơn vị lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Lúc Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân thì nắng lên cao. Một cán bộ xã xuống nhà một người dân mượn cái ô lên che cho Bác. Vừa giương ô lên, Bác gạt ra và bảo: “Ô không đủ che cho tất cả mọi người, chú đừng che riêng mình Bác, Bác không phải phong kiến, chú cất đi”. Ai nấy đều cảm động trước cách xử sự của Bác.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.