Những nữ cựu tù cách mạng ngời "chất thép"
Trở về cuộc sống đời thường, những nữ cựu tù (NCT) cách mạng vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, góp phần thắp sáng niềm tin cho thế hệ trẻ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, Lấy “nghĩa tình đồng đội” làm kim chỉ nam của mọi hành động, các bà, các cÔ luôn là những tấm gương mẫu mực trong đời sống, tận tâm trong công việc, hết lòng vì đồng đội, vì nhân dân.
Đó là những tấm gương hết sức tiêu biểu của lòng quả cảm với tinh thần kiên cường, bất khuất đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung và vì sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ nói riêng. Sự hy sinh, cống hiến của các cô không chỉ là niềm tự hào của quê hương, mà còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo.
TRỌN TÌNH ĐẤT NƯỚC, VẸN NGHĨA ĐỒNG ĐỘI
Cô Phạm Thị Liên, sinh năm 1946, ấp Trung B, xã Long Định vẫn còn nhớ như in những màn tra tấn mà kẻ thù “đã dành” cho cô…. Năm 1962, cô Liên mới tròn 18 tuổi đã hăng hái tham gia cách mạng, làm giao liên xã, huyện.
![]() |
Giao lưu với các NCT cách mạng tiêu biểu và đảng viên cao tuổi Đảng tại Chương trình “Thắp lửa truyền thống” được tổ chức vào tháng 3-2025. |
Đến năm 1966, trong một lần địch đổ quân càn vào xã Long Định, chúng sử dụng bộ binh, pháo binh, trực thăng đổ quân xuống cánh đồng khu dân cư, chúng bắn pháo liên tục, cô Liên cùng dân ở trong nhà xuống trảng xê (hầm tránh pháo), chúng lùng sục trong nhà rồi chúng bắt cô.
“Trong lúc tôi bị bắt, chúng khai thác liền tại chỗ, trói chéo tay, đổ nước bẩn, nước xà phòng vào miệng… chúng dẫm đạp lên người để nước trào ra, tôi bị ngất đi. Khi tỉnh lại, chúng kêu tôi khai các cơ sở cách mạng, tôi nói: Tôi là dân đâu biết gì cách mạng mà khai, tôi là dân, thấy địch tới nên tôi trốn vào hầm. Sau đó, chúng tiếp tục tra tấn dã man, vừa đánh đập, vừa hăm dọa, quấn dây điện vào các đầu ngón chân, dùng dùi cui đánh tả tơi…, nhiều lần tôi đã ngất đi. Cứ thế, tôi ở tù tổng cộng 26 tháng, 5 lần bị nhốt vào xà lim” - cô Liên kể.
Gia đình cô Liên là gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ cô là Mẹ Việt Nam Anh hùng, từng đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cô có 3 người anh, chị tham gia cách mạng thì có 2 người hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế nên khi còn nhỏ tuổi, cô Liên đã được giác ngộ.
Những NCT đã đi qua chiến tranh bằng cả máu và nước mắt, để hôm nay, khi đứng dưới bầu trời tự do, họ tiếp tục hát những bài ca cách mạng, truyền cho thế hệ sau niềm tin vào lý tưởng sống. Hòa bình hôm nay được viết nên từ những hy sinh lặng thầm ấy - một giá trị mà thế hệ trẻ cần trân trọng, gìn giữ và tiếp nối. Những người lính “thời hoa lửa” đã và đang tô thắm thêm truyền thống trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam duyên dáng nhưng vẫn ngời “chất thép”. |
Qua nhiều lần thử thách, năm 1966, cô Liên vinh dự được kết nạp Đảng. Trước chân dung Bác Hồ và Đảng kỳ, cô đã hứa quyết tâm chiến đấu đến hơi thở sau cùng vì sự nghiệp cách mạng. Được biết, hiện nay, cô Liên là Phó Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh Tiền Giang cũ, phụ trách NCT, cô luôn quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ những NCT nói chung, cựu chiến binh, người cao tuổi nói riêng. Năm 2012, cô Liên đã đứng ra vận động xây dựng Bia ghi danh 51 liệt sĩ, 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng tại ấp Trung B.
Với lòng yêu nước và lòng căm thù giặc, được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nên cô gái nhỏ 15 tuổi Phan Thị Thanh Hồng, quê ở Tân Phú Đông đã đi theo cách mạng, muốn được cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Cô Hồng đăng ký đi thanh niên xung phong, nhưng sau đó cô được phân công làm giao liên, rồi cô tham gia Đội hỏa tốc của Tỉnh đội Mỹ Tho.
“Công việc của Đội hỏa tốc giống như làm giao liên, chủ yếu đi thư đến các cơ quan, công việc này chủ yếu đi vào ban đêm. Đến cuối năm 1968, cô được điều qua Đội pháo binh của tỉnh Gò Công” - cô Hồng chia sẻ. Năm 1969, khi đang trên đường công tác, cô bị địch bắt, giam gần 5 năm ở đủ các nhà tù, có thời gian chúng giam cô ở nhà tù Phú Quốc, thời gian đủ để cô gái trẻ khi ấy nếm trải các màn tra tấn “chết lên, chết xuống” chỉ bởi cái tội không chịu hé răng khai báo.
Tham gia cách mạng khi vừa tròn 20 tuổi, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1949, quê xã Vĩnh Bình vẫn nhớ như in những ngày đị bắt giam cầm nơi nhà tù Côn Đảo. Kể chuyện cũ, ánh mắt cô ngời lên niềm xúc cảm: Năm 1971, cô bị bắt và giam ở nhà tù Côn Đảo. Trong gian khó mới thấy được hết tình cảm của mọi người. Những chị em tù cùng chia sớt cho nhau từng viên thuốc, miếng ăn. Mọi người thương nhau còn hơn cả người thân trong gia đình”. Sau năm 1975, khi trở về địa phương, cô Ánh công tác tại Hội Phụ nữ Gò Công và tiếp tục chăm lo cho quyền lợi của chị em phụ nữ và người dân đến khi nghỉ hưu.
Những năm tháng trong tù, họ đã nương tựa vào nhau để tồn tại. Đến hôm nay, tình đồng đội ấy vẫn không phai nhạt. Ban Liên lạc cựu tù và NCT nói riêng đã hỗ trợ hàng trăm đồng đội làm hồ sơ chính sách, vận động xây dựng nhà ở, trao học bổng cho con em cựu tù có hoàn cảnh khó khăn.
“TIẾP LỬA” CHO CÁC THẾ HỆ PHỤ NỮ
Đã 50 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, quá khứ đã lùi xa nhưng ký ức về một thời đấu tranh gian khó mà hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí của những nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa. Những câu chuyện kể về những năm tháng tù đày của họ khiến cho những người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh như chúng tôi phải rùng mình về sự khốc liệt của nó.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các NCT cách mạng tiêu biểu vào tháng 3-2025. |
Sau khi đất nước thống nhất, họ tiếp tục là những người xây dựng tương lai. Các bà, các cô cùng các đồng đội không chỉ lo việc chính sách cho cựu tù mà còn vận động xây nhà, giúp đỡ con em đồng đội có cơ hội học hành. Họ không chỉ hỗ trợ nhau về vật chất, mà còn cùng nhau gìn giữ ký ức lịch sử. Những chuyến hành trình về chiến trường xưa, những buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ, thế hệ trẻ là di sản tinh thần vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay.
“Có thể tôi không còn nhớ rõ những chi tiết nhỏ của cuộc đời mình nhưng tôi vẫn nhớ từng người trong Ban liên lạc. Cùng bị tra tấn, cùng đấu tranh, cùng dìu nhau sống sót qua những ngày tháng tăm tối, chúng tôi hiểu nhau hơn cả người thân.
Bởi vậy, dù tuổi đã cao, tôi vẫn tiếp tục công việc này, vì tôi không thể bỏ lại đồng đội. Và giờ đây, còn sức lực là còn cống hiến, phải cho thế hệ trẻ biết được để có hòa bình ông cha ta đã đánh đổi mồ hôi, máu và nước mắt để cho thế hệ trẻ yêu quê hương, quý trọng hòa bình mà sống tốt, làm nhiều điều có ích cho xã hội. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng các thế hệ trẻ cũng như phụ nữ sau này sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống, cùng viết nên những trang sử vẻ vang của thời đại mới”, cô Phạm Thị Liên tâm huyết.
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang cũ tổ chức Chương trình “Thắp lửa truyền thống” - Gặp gỡ các NCT cách mạng tiêu biểu, nữ đảng viên nhiều năm tuổi Đảng.Khi được hỏi muốn nhắn gửi gì đến thế hệ trẻ hôm nay, các NCT cách mạng đều chỉ nói một điều: “Chúng tôi không cần được ca ngợi, chỉ mong thế hệ trẻ hiểu rằng tự do không tự nhiên mà có, các bạn đang sống trong hòa bình, hãy trân trọng điều đó”.
Là thế hệ trẻ, những cán bộ, hội viên, phụ nữ hôm nay không khỏi xúc động khi nghe lời kể của các cô, các dì khi ở trong tù: Nhiều cô, dì đã phải hy sinh điều thiêng liêng nhất của người mẹ, người vợ khi phải xa gia đình, gác tình cảm cá nhân, thậm chỉ còn phải gửi lại cơ sở “núm ruột” của mình để lao vào vùng địch...
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ, hội viên, phụ nữ xin nguyện noi gương và kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các bà, các mẹ, các cô, nguyện một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Phụ nữ ngày càng lớn mạnh.
P. MAI