Thứ Hai, 07/07/2025, 16:31 (GMT+7)
.

Mối nguy hiểm tiềm ẩn và cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viên gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B (VGSVB) là nguyên nhân tử vong do nhiễm trùng đứng thứ hai trên toàn cầu, với khoảng 1,3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm, tương đương với bệnh lao. Phần lớn người nhiễm VGSVB thường không có triệu chứng, dẫn đến lây truyền âm thầm trong cộng đồng. 

TẠI SAO VGSVB NGUY HIỂM?

Người bệnh mạn tính có nguy cơ cao bị xơ gan và ung thư gan - hai biến chứng có thể gây tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2022 có khoảng 254 triệu người đang sống chung với VGSVB (chiếm 3,2% dân số toàn cầu), trong đó một nửa số người nhiễm thuộc độ tuổi 30 - 54 và 12% là trẻ dưới 18 tuổi. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất thế giới. Tỷ lệ nhiễm mạn tính tại Việt Nam ước tính từ 8 - 10%, tương đương khoảng 8 triệu người - cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, vắc xin VGSVB đã được đưa vào Chương trình  tiêm chủng mở rộng cho trẻ với mũi đầu tiên được thực hiện  trong ngày đầu sau sinh và tiêm nhắc sau đó.       Ảnh: HẠNH NGA
Hiện nay, vắc xin VGSVB đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ với mũi đầu tiên được thực hiện trong ngày đầu sau sinh và tiêm nhắc sau đó. Ảnh: HẠNH NGA

Có 3 con đường lây truyền chính của VGSVB: Thứ nhất là lây truyền từ mẹ sang con, đây là đường lây truyền phổ biến tại Việt Nam. Nếu người mẹ nhiễm VGSVB thì 90% trẻ sinh ra có nguy cơ bị nhiễm mạn tính nếu không được tiêm vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo. Thứ hai là quan hệ tình dục không an toàn. Siêu vi B có trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo. Việc quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với người nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Thứ ba là đường máu. Việc tiếp xúc với máu nhiễm siêu vi viêm gan B qua tiêm chích ma túy, truyền máu không an toàn, xăm mình, xỏ khuyên hoặc dụng cụ y tế không tiệt trùng.

Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm VGSVB là trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm VGSVB, người quan hệ tình dục không an toàn, người tiêm chích ma túy hoặc sử dụng chung kim tiêm, người sống chung với người nhiễm VGSVB, chia sẻ vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải. Nhân viên y tế cũng rất dễ nhiễm bệnh do tiếp xúc thường xuyên với máu và dịch cơ thể của người bệnh.

Một nghiên cứu tại TP. Hồ chí Minh trên người bệnh VGSVB cho thấy, chỉ có 33,64% người bệnh có kiến thức đúng về bệnh VGSVB, tỷ lệ người bệnh có hành vi phòng ngừa lây truyền qua đường máu là 42,06%. Nghiên cứu khác trên sinh viên khối ngành sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có 63,3% sinh viên đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng VGSVB.

PHÒNG NGỪA THẾ NÀO?

Tuy là một bệnh rất nguy hiểm nhưng bệnh VGSVB có thể phòng ngừa hiệu quả, trong đó, tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Hiện nay, vắc xin VGSVB được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn chưa tiêm phòng. Vắc xin VGSVB có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch từ 80 - 100% và hiệu quả bảo vệ của vắc xin kéo dài ít nhất 20 năm và có thể suốt đời. Ngoài tiêm vắc xin, cần ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con thông qua việc xét nghiệm và điều trị thai phụ mang VGSVB trong thai kỳ để giảm lây truyền; thực hiện quan hệ tình dục an toàn; tránh dùng chung kim tiêm và sử dụng các vật dụng cá nhân riêng; bảo đảm vô trùng trong ngành y tế.

Tóm lại, VGSVB là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin và thực hành đúng các biện pháp phòng ngừa. Tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ cá nhân, mà còn góp phần giảm lây lan mầm bệnh trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh VGSVB trên toàn cầu.

TS.BS VÕ TRIỀU LÝ - PGS.TS.BS HUỲNH GIAO 
(Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh)

.
.
.