Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sức khỏe con người
Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào, đó là vấn đề của toàn cầu. BĐKH không chỉ là một vấn đề môi trường, mà còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.
VẤN ĐỀ TOÀN CẦU
BĐKH là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới BĐKH, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: Phát thải khí nhà kính do việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên; phá rừng làm giảm khả năng hấp thụ CO2 của trái đất; quá trình sản xuất công nghiệp thải ra nhiều khí nhà kính; đô thị hóa làm tăng tiêu thụ năng lượng và giảm diện tích cây xanh…
![]() |
Nhiệt độ gia tăng tác động xấu đến sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi. |
BĐKH mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến con người, động vật, môi trường sống... Nhiệt độ tăng nhanh gây ra nắng nóng cực đoan, hạn hán và cháy rừng thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng cao đe dọa các vùng đất thấp và đảo, gây ngập lụt ven biển. Thời tiết cực đoan như: Bão, lũ lụt, hạn hán, sóng thần, động đất xảy ra thường xuyên và mạnh hơn; ảnh hưởng đến đa dạng sinh học khiến nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. BĐKH làm cho năng suất cây trồng giảm, đe dọa an ninh lương thực. Đặc biệt, BĐKH không chỉ là một vấn đề môi trường, mà còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Có thể nói, BĐKH chính là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống con người trong thế kỷ XXI.
NGUY CƠ BỆNH TẬT
BĐKH tác động tiêu cực đến sức khỏe con người theo nhiều cách, bao gồm gia tăng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao, các vấn đề về hô hấp và các bệnh mãn tính. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh lý hiện có và gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Chính điều kiện nhiệt độ cực đoan làm ảnh hưởng to lớn tới sức khỏe con người. Trong đó, nhiệt độ tăng tác động mạnh đến sức khỏe của con người trong mọi lứa tuổi. Khi phơi nhiễm với sóng nhiệt, con người đối mặt với các nguy cơ sức khỏe như: Chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt và tử vong. Việc kiệt sức do nhiệt là dạng nguy cơ sức khỏe hay gặp nhất do phải phơi nhiễm với nhiệt độ ngoài trời cao trong khoảng thời gian dài. Nếu như không để ý và không được điều trị kịp thời, tình trạng kiệt sức do nhiệt có thể chuyển thành dạng sốc nhiệt là dạng nghiêm trọng hơn và thường có các triệu chứng như: Mê sảng, co giật, hôn mê và tử vong. Sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong khá cao, các ca sốc nhiệt không gây tử vong nhưng cũng có thể để lại hậu quả đau ốm kéo dài.
Ngoài sốc nhiệt, sóng nhiệt cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Căng thẳng do nhiệt khi làm việc dưới nhiệt độ và độ ẩm cao là một nguy cơ nghề nghiệp có thể dẫn tới tử vong hoặc các vấn đề mạn tính do hậu ảnh hưởng của say nắng. Cả công nhân làm việc trong nhà và ngoài trời đều có nguy cơ bị say nắng. Kể cả những người đã thích nghi với môi trường ở khu vực nhiệt đới vẫn có nguy cơ bị say nắng. Làm việc trong các môi trường nóng bức dẫn tới nguy cơ giảm khả năng thực hiện các công việc chân tay, suy giảm khả năng làm việc trí óc, tăng nguy cơ bị tai nạn lao động và nếu phải làm việc kéo dài trong môi trường nóng bức có thể dẫn tới suy kiệt sức khỏe do nhiệt hoặc bị say nắng.
Bên cạnh các đợt sóng nhiệt, còn phải kể đến các đợt không khí lạnh khắc nghiệt. Các đợt lạnh khắc nghiệt này thường gây ảnh hưởng tới những người nghèo, đặc biệt là những người vô gia cư, công nhân, người già… Các đợt lạnh này có thể gây ra các nguy cơ cấp tính như giảm thân nhiệt, hoặc một số bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp và một số bệnh khác.
BĐKH còn làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm. BĐKH làm thay đổi môi trường sống của các mầm bệnh và vật trung gian truyền bệnh, như muỗi và lăng quăng, dẫn đến sự gia tăng các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh do vi rút lây truyền qua côn trùng. Ô nhiễm không khí do BĐKH, như khói bụi và các chất gây ô nhiễm khác, có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về hô hấp như hen suyễn và viêm phế quản.
Song song đó, BĐKH có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như: Bệnh tim, tiểu đường và bệnh thận. Các yếu tố như nhiệt độ cao, thay đổi thời tiết và ô nhiễm không khí có thể gây căng thẳng cho cơ thể và làm các bệnh này trở nên nghiêm trọng hơn. BĐKH còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần như: Lo âu, trầm cảm và các rối loạn liên quan đến stress, đặc biệt là ở những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các sự kiện thời tiết cực đoan. BĐKH gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, dẫn đến nạn đói và suy dinh dưỡng.
BĐKH vừa là vấn đề môi trường cũng vừa là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nên Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi sự quan tâm và hành động chung của toàn cầu để giảm thiểu tác động của nó gây ra với tự nhiên và đời sống con người.
THỦY HÀ