Thứ Hai, 26/10/2020, 10:12 (GMT+7)
.
MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH:

Hoàn thiện pháp luật, thay đổi nhận thức

Theo thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2016 là 109,6 bé trai/100 bé gái; đến 9 tháng năm 2020, tỷ số này của tỉnh Tiền Giang đã giảm còn 108,88 bé trai/100 bé gái.

Con số thống kê trên cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) có xu hướng giảm, tuy nhiên để duy trì kết quả đạt được và ổn định mức sinh thay thế, công tác dân số vẫn phải tập trung giải quyết vấn đề MCBGTKS.

TĂNG CƯỜNG THỰC THI PHÁP LUẬT

Trước tình trạng MCBGTKS xảy ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, ngày 23-3-2016, Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định 468 phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025 (gọi tắt là Đề án). Sau đó, Bộ Y tế đã cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án thông qua việc ban hành các quyết định về kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện.

Tuần hành tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng Chiến dịch truyền thông giảm thiểu MCBGTKS năm 2020 tại TP. Mỹ Tho.
Tuần hành tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng Chiến dịch truyền thông giảm thiểu MCBGTKS năm 2020 tại TP. Mỹ Tho.

Theo đánh giá của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, qua hơn 4 năm, tỉnh Tiền Giang triển khai các hoạt động của Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình về vấn đề MCBGTKS. Đề án cũng tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc triển khai thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Sau hơn 4 năm triển khai Đề án, Tiền Giang có tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ mức 109,6 bé trai/100 bé gái sinh ra sống năm 2016 xuống còn 108,88 bé trai/100 bé gái trong 9 tháng năm 2020, đây là con số đáng mừng, bởi đã đạt mục tiêu Đề án (dưới 115 bé trai/100 bé gái) đề ra vào năm 2020 và đã đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Tiếp đó, chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định 1679 ngày 22-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Ngày 28-9-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 117 (có hiệu lực từ ngày 15-11-2020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế Nghị định 176.

Nghị định 117 có một số điểm đáng chú ý như: Nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; lựa chọn giới tính thai nhi; cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, hoàn thiện pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng để xử phạt vi phạm đối với các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Việc tăng các mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm để kiểm soát việc MCBGTKS là cần thiết và mang tính khả thi, tạo nên tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu MCBGTKS, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và việc xây dựng, thực thi pháp luật, rất cần tập trung truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội do MCBGTKS ở Việt Nam có nguyên nhân cốt lõi từ tư tưởng truyền thống trọng nam khinh nữ và tâm lý ưa thích con trai.

Chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc từng khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam nên tập trung và nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội về bình đẳng giới, đặc biệt là tập trung cho giới trẻ bằng cách đưa các nội dung giáo dục về giới, bình đẳng giới và giới tính vào trường học.

Để có thể thay đổi chuẩn mực xã hội về giới, Việt Nam nên tập trung truyền thông thay đổi hành vi, xóa bỏ các định kiến giới và xây dựng các chuẩn mực mới về giới trong gia đình (con có thể mang họ mẹ; con gái hoặc phụ nữ có thể thờ cúng tổ tiên, đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ, người thân khi qua đời, vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ, con trai con gái cùng có quyền thừa kế ngang nhau...).

Giải quyết MCBGTKS đòi hỏi có sự chung tay, nỗ lực của mọi người dân, chính quyền các cấp và cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, bền bỉ mới có thể giải quyết dứt điểm. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, trong thời gian tới, ngành Dân số tiếp tục chú trọng triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ và quyết liệt các giải pháp trong Đề án; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.