Sử dụng hiệu quả kỹ thuật cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị
Đầu năm 2016, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã triển khai 2 kỹ thuật cận lâm sàng mới, kết hợp với 1 kỹ thuật cận lâm sàng đã triển khai từ cuối năm 2013, góp phần làm tăng hiệu quả công tác chẩn đoán, phát hiện bệnh lao phổi, bệnh lao phổi kháng đa thuốc và các bệnh lý khí - phế quản khác.
![]() |
Việt Nam đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong ảnh, điều dưỡng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang chuẩn bị thuốc điều trị cho các bệnh nhân lao. Ảnh: Thanh Hoàng |
KHUẾCH ĐẠI GENE
Kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF là kỹ thuật khuếch đại gene, dựa trên cơ sở phản ứng chuỗi polymerase (polymerase chain reaction - PCR). GeneXpert là một kỹ thuật mang tính đột phá, tích hợp của 3 công nghệ tách gien, nhân gien và nhận biết gien.
Với công nghệ này, kỹ thuật Xpert MTB/RIF cho phép xác định vi khuẩn lao với độ nhạy rất cao (99% người bệnh xét nghiệm đờm trực tiếp dương tính, 80% người bệnh xét nghiệm đờm trực tiếp âm tính, 91% với các trường hợp nuôi cấy dương tính và 72,5% với người bệnh nuôi cấy âm tính). Kỹ thuật cho kết quả chỉ trong vòng 2 giờ và rất đơn giản cho người dùng. Điều đặc biệt là, máy có thể cho kết quả kép, tức là cùng một lần trả lời cho phép biết bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít và vi khuẩn lao có kháng với thuốc rifampicin hay không.
Việc đưa hệ thống GeneXpert vào hoạt động giúp chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm lao và lao kháng thuốc, điều trị kịp thời và hạn chế lây nhiễm lao ra cộng đồng. Bệnh phẩm sử dụng cho kỹ thuật này bao gồm nhiều dạng như đàm, các dịch chọc dò của người bệnh...
Hiện tại, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, bệnh phẩm được sử dụng là đàm. Nếu mẫu đàm có vi khuẩn lao, máy sẽ phát hiện ra bằng việc tăng số phiên bản DNA của vi khuẩn và sau đó phát hiện ra bằng các mẫu dò tương ứng đã biết. Kỹ thuật này giúp trả lời có DNA vi khuẩn lao trong bệnh phẩm hay không và DNA này có đột biến kháng thuốc hay không.
Từ lúc triển khai hệ thống GeneXpert MTB/RIF đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã góp phần chẩn đoán nhanh bệnh lao và lao kháng đa thuốc. Trước đây, những trường hợp nghi ngờ lao kháng thuốc phải chuyển người bệnh đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh làm kháng sinh đồ.
Quá trình này mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí cho người bệnh và cơ quan Bảo hiểm y tế, làm quá tải bệnh viện tuyến trên, chậm quá trình điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và tăng lây lan bệnh trong cộng đồng.
Bệnh viện cũng đã triển khai đơn vị thu dung điều trị lao kháng đa thuốc song song với việc triển khai kỹ thuật GeneXpert. Từ năm 2014 đến nay, đã thu dung điều trị cho hơn 150 trường hợp lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh (8 tháng của năm 2016 là 37 trường hợp); đến nay đã hoàn tất điều trị cho hơn 50 trường hợp, với tỷ lệ thành công trên 80%.
NỘI SOI PHẾ QUẢN BẰNG ỐNG SOI MỀM
Từ đầu năm 2016, được sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang cũng đã triển khai thành công kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống soi mềm. Đây là kỹ thuật cận lâm sàng chuyên sâu về hô hấp được triển khai đầu tiên tại Tiền Giang.
Nội soi phế quản bằng ống mềm là dùng ống soi mềm để quan sát, thăm khám cây khí - phế quản, lấy bệnh phẩm các loại để chẩn đoán, hoặc thực hiện một số thủ thuật để điều trị. Hầu hết các bệnh lý của đường hô hấp chưa chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác đều có chỉ định soi phế quản để chẩn đoán.
Trước đây, các trường hợp bệnh lý khí, phế quản khó chẩn đoán hoặc các trường hợp chảy máu kéo dài đường hô hấp dưới không cầm được bằng các phương pháp nội khoa thông thường đều phải chuyển viện lên tuyến trên.
Hiện nay, với kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, bệnh viện đã tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị, hạn chế chuyển viện lên tuyến trên. Từ lúc triển khai đến nay, các bác sĩ đã thực hiện 137 trường hợp nội soi phế quản ống mềm trong chẩn đoán bệnh lý khí, phế quản và tai biến về kỹ thuật hầu như không có.
NUÔI CẤY ĐỊNH DANH VI KHUẨN LAO
Đầu năm 2016, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang cũng đã triển khai thành công kỹ thuật nuôi cấy định danh vi khuẩn lao trên môi trường đặc Niacin, góp phần quan trọng trong việc theo dõi, đánh giá điều trị lao kháng đa thuốc và góp phần chẩn đoán các trường hợp lao phổi khó chẩn đoán. Đây cũng là một kỹ thuật mới được triển khai tại tỉnh Tiền Giang, giúp hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị của bệnh viện.
Từ lúc được triển khai đến nay, bệnh viện đã thực hiện 286 trường hợp nuôi cấy định danh. Qua kiểm tra của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã ghi nhận các kỹ thuật viên của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã thực hiện tốt kỹ thuật và không có sai sót trong kỹ thuật.
Theo Bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, các kỹ thuật cận lâm sàng mới được triển khai thành công tại bệnh viện đã góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị của bệnh viện, tạo thêm niềm tin cho bệnh nhân.
THỦY HÀ - VĂN DŨNG