Bệnh trầm cảm tàn phá con người khốc liệt
Cái chết thương tâm của cậu học sinh lớp 12, ngụ xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè vào ngày 24-12 vừa qua như một hồi chuông cảnh báo về căn bệnh này.
CĂN BỆNH NGUY HIỂM
Cách nay hơn 1 năm, tại xã Long An, huyện Châu Thành cũng xảy ra trường hợp tự tử do trầm cảm. Đó là một bệnh nhân nam sắp bước sang tuổi ngũ tuần. Gia cảnh túng quẩn lại có con mắc bệnh hiểm nghèo nên vợ chồng làm lụng vất vả vẫn không khá nổi khiến ông ấy rơi vào bế tắc, xuống tinh thần, trở nên chán nản và đau yếu liên miên, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh trầm cảm nặng và cần phải điều trị tích cực. Tuy nhiên, chưa điều trị được bao lâu thì ông ấy đã tìm đến cái chết, bỏ lại vợ và 2 con thơ bệnh tật.
![]() |
Chịu nhiều áp lực cuộc sống trong hoàn cảnh cô đơn dễ đưa phụ nữ đến với bệnh trầm cảm. Ảnh có tính minh họa. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có tới 350 triệu người bị trầm cảm và cứ 20 người có 1 người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Các rối loạn trầm cảm thường xảy ra khi tuổi đời còn trẻ, làm giảm khả năng lao động và thường tái phát. Người bệnh trầm cảm có thể dẫn tới hành vi tự tử (thế giới có tới gần 3.000 người tự tử hàng năm có nguyên nhân từ căn bệnh này).
Trầm cảm có thể nguy hiểm đối với người khác dù không góp phần vào sự kỳ thị và xa lánh của xã hội như bệnh tâm thần phân liệt, nhưng lại mang dấu hiệu nguy hiểm khác, đó là suy nghĩ về cái chết, là ý tưởng tự tử.
NHẬN BIẾT DẤU HIỆU TRẦM CẢM
Nhiều bệnh nhân trầm cảm nhưng không hề nhận biết bản thân bị bệnh cho đến khi họ gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân hoặc người xung quanh.
Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, trầm cảm là một căn bệnh của nhịp sống hiện đại và nó tàn phá con người cả về thể chất và tinh thần vô cùng khốc liệt. Bi kịch là khi suy nghĩ tiêu cực lên đến đỉnh điểm, bệnh nhân trầm cảm có thể gây nên những vụ giết người hàng loạt hoặc tự sát.
Trầm cảm thường xuất hiện sau một “sang chấn tinh thần”, những cú “sốc” như mất người thân, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, gãy đổ sự nghiệp, bất hòa kéo dài… Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, ở cả nam lẫn nữ nhưng nữ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp 2 lần. Biểu hiện của bệnh trầm cảm ở mỗi lứa tuổi có khác nhau.
Học sinh, sinh viên bị trầm cảm do liên tục chịu áp lực bởi quá nhiều bài vở dẫn đến hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần. Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn, chậm chạp, ít nói, hay quên, lẩn, dễ lầm với bệnh già. Phụ nữ sau sinh con cũng có thể mắc chứng trầm cảm, tuy tỷ lệ không nhiều nhưng mức độ bệnh khá trầm trọng, phải phát hiện sớm.
Biểu hiện bên ngoài thường gặp ở người trầm cảm là nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi. Người trầm cảm luôn có cảm giác mất thích thú trong cuộc sống, đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi như không còn sức khỏe làm việc, làm việc nhẹ cũng mau mệt.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh không thích gần vợ (gần chồng); thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm; ăn ít, không ngon, nhạt miệng; trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe; đầu óc khó tập trung, do dự không “quyết” được, không đối phó được những tình huống xảy ra trong cuộc sống thường nhật.
Mặt khác, người bệnh hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết; có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận.
Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc. Có người tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người ta, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, họ nghĩ và đôi khi tìm cách chết.
PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mọi người không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm vì ai cũng có nguy cơ mắc phải. Do đó hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, người thân biết để phát hiện sớm bệnh.
Khi phát hiện người bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp người bệnh đến khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh càng sớm càng tốt nhằm tránh được cơn trầm uất, thất thần quẩn trí. Bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm chọn thuốc chống trầm cảm, biết dùng thuốc điều chỉnh khí sắc và lường trước tác dụng phụ của thuốc.
Điều trị trầm cảm cần phải có sự kiên nhẫn vì tốn rất nhiều thời gian. Hiện tại có nhiều loại thuốc chống trầm cảm nhưng phải chọn và dùng thuốc đúng “chiến lược, bài bản” mới giúp tỷ lệ khỏi bệnh cao, ít tái phát.
Bạn bè và người thân trong gia đình là đường dây nối kết và là yếu tố quan trọng trong việc chữa trị thành công bệnh trầm cảm. Bệnh nhân trầm cảm rất cần người thân, bạn bè xung quanh động viên tinh thần, theo dõi diễn tiến bệnh và việc tuân thủ phác đồ điều trị.
Tóm lại, trầm cảm là căn bệnh vô cùng nguy hiểm nhưng lại có diễn biến âm thầm nên ít được quan tâm và nhận biết sớm từ bản thân người bệnh và người xung quanh. Chính vì lẽ đó, quan tâm đến sức khỏe tâm thần là việc làm vô cùng cấp thiết, nhất là trong thời buổi có nhiều áp lực như hiện nay.
THỦY HÀ