Thứ Tư, 12/11/2014, 14:16 (GMT+7)
.

Phòng sinh ở trạm y tế: Có nên duy trì hay không?

Theo Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã, mỗi trạm y tế phải có từ 7 - 10 phòng chức năng, trong đó phải có phòng sinh. Trên thực tế, phần lớn các phòng sinh ở trạm y tế đã không hoạt động trong nhiều năm nay nhưng vẫn phải duy trì.

SỰ LÃNG PHÍ

Hơn 15 năm nay Trạm Y tế xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) không tiếp nhận 1 sản phụ nào đến sinh con tại trạm; trong khi trước đó, mỗi tháng có vài chục ca sinh.

Theo bác sĩ - trưởng trạm, lý do sản phụ không đến trạm y tế xã sinh con là vì: Đối với trạm y tế, theo quy định của Bộ Y tế thì trạm không được nhận đỡ đẻ cho sản phụ sinh con đầu lòng và sinh con thứ 3 trở lên. Đối với sản phụ, do điều kiện giao thông thuận tiện, TP. Mỹ Tho lại là trung tâm của tỉnh và có bệnh viện chuyên khoa phụ sản nên khi trở dạ, chị em thường đến tuyến trên để sinh con. Thật sự, nói là có dụng cụ phục vụ đỡ đẻ nhưng trạm y tế lại không có đủ trang thiết bị y tế khác để phục vụ trong tình huống có tai biến sản khoa xảy ra.

Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho  giới thiệu phòng sinh và bộ dụng cụ đỡ đẻ đã hơn 15 năm nằm trong hộp.
Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho giới thiệu phòng sinh và bộ dụng cụ đỡ đẻ đã hơn 15 năm nằm trong hộp.

Ôm hộp dụng cụ đỡ đẻ từ trong tủ ra, bác sĩ - trưởng trạm chia sẻ: “Từ lúc nhận hộp dụng cụ này về tới nay, ngoài 15 năm rồi nó vẫn chưa được dùng đến. Không sử dụng nhưng chúng tôi vẫn phải đem ra lau chùi, phòng thì phải khóa lại và để đó, không thể tận dụng vào mục đích khác vì phải đảm bảo vô trùng.

Trong khi cơ sở vật chất của trạm chật hẹp, nhiều phòng chức năng như phòng tiêm chủng an toàn, phòng truyền thông… lại thiếu. Đi kèm với phòng sinh còn phải duy trì thêm phòng hậu sản nữa, do thực tế không sử dụng nên phòng hậu sản dùng để lưu bệnh khác khi có nhu cầu”.

Không chỉ tại các trạm y tế phường, thị trấn, các trạm y tế xã hầu như rất ít có trạm nào đón được sản phụ đến sinh con. Y sĩ Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng trạm Y tế xã Tân Bình, TX. Cai Lậy cho biết: “Từ khi tôi về trạm 3 năm nay, chưa thấy có 1 sản phụ nào đến trạm để sinh con, mặc dù trạm cũng có đầy đủ lực lượng nữ hộ sinh có trình độ và năng lực. Điều này là phù hợp thôi. Vì hiện nay điều kiện giao thông thuận lợi, chỉ cần vài chục phút, tối đa chưa đầy 1 giờ là sản phụ ở nông thôn xa cũng đã đến được bệnh viện lớn để sinh con rồi.

Bên cạnh đó, sản phụ được khám thai định kỳ và có kiến thức về sinh sản nên khi trở dạ thì chị em đều lên tuyến trên, hiếm hoi lắm mới có chuyện sinh rớt. Mặt khác, nếu xảy ra trường hợp sinh rớt thì bộ dụng cụ của “gói đẻ rớt” có thể xử trí tốt trước khi chuyển lên tuyến trên”.

Báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã, Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện có hơn 90% trạm y tế trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua không có tiếp nhận sản phụ nào đến sinh.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế thì trạm y tế phải có phòng sinh, cho nên chúng tôi không dám tự ý dẹp bỏ. Trong khi đó, cơ sở vật chất chật hẹp và kinh phí khó khăn, các trạm y tế thiếu phòng để bố trí các chức năng khác như phòng truyền thông, phòng tiêm chủng…

CÓ NÊN DUY TRÌ HAY KHÔNG?

Đây là câu hỏi đặt ra trước thực tế sử dụng phòng sinh không hiệu quả tại trạm y tế. Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế, vấn đề này ngành Y tế đã nhận thấy và cũng là vấn đề bức xúc của cơ sở từ lâu, nhưng không thể giải quyết được vì vướng quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, việc duy trì phòng sinh ở trạm y tế hay không cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng nên chuyển phòng sinh ở trạm y tế sang sử dụng vào mục đích khác thì lại có một số ý kiến ngược lại.

Trưởng trạm Y tế xã Nhị Mỹ, TX. Cai Lậy cho rằng nên duy trì phòng sinh tại trạm y tế, vì nếu có trường hợp sinh rớt thì phải làm sao? Trong điều kiện đảm bảo vô trùng thì phòng sinh có thể sử dụng thêm với mục đích thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình cũng tốt.

Y sĩ Phan Thị Thanh Tuyết, Trưởng trạm Y tế xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo không tán thành chuyện bỏ phòng sinh ở trạm y tế, vì thực tế mỗi tháng trạm y tế này tiếp nhận một vài ca sinh thường. “Sản phụ đến khám thai định kỳ, mình có theo dõi kỹ rồi.

Khi sản phụ đến sinh con, mình khám lại, nếu xác định có thể sinh thường được và an toàn thì tiếp nhận, còn không thì chuyển lên tuyến trên. Khi sinh con ở trạm y tế thuận lợi cho chị em vì gần nhà, điều kiện cơ sở vật chất rộng rãi, thoải mái” - Y sĩ Thanh Tuyết chia sẻ thêm.

Ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh cho rằng: “Nên chăng chúng ta kiến nghị với Bộ Y tế quy định chỉ duy trì phòng sinh ở những trạm y tế vùng nông thôn sâu, xa bệnh viện lớn có chuyên khoa sản hay chỉ duy trì phòng sinh ở những trạm y tế lâu nay vẫn có duy trì ca sinh. Quy định là do con người đặt ra, nếu không phù hợp nữa thì có thể sửa đổi. Ngành Y tế tỉnh phải chủ động đề xuất hướng giải quyết phù hợp”.

THỦY HÀ

.
.
.