Tiền Giang tìm giải pháp phát triển bền vững
Vấn đề đã và đang được đặt ra đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước tác động của dòng chảy sông Mê Công do việc xây dựng các đập thủy điện của các nước, kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và nhiều yếu tố tác động khác là tìm ra nhiều giải pháp cải thiện cuộc sống người dân, thích ứng với những thay đổi của thời tiết với nhiều hiện tượng khắc nghiệt và nhiều yếu tố mang tính bất lợi khác.
XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
Việc thay đổi mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và đặc điểm của vùng ĐBSCL trong đó có Tiền Giang là bước đi dài và cần nhiều giải pháp hữu hiệu hơn. Cùng với định hướng chung của Chính phủ trong chiến lược phát triển ĐBSCL trên cơ sở Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo hướng "thuận thiên", Tiền Giang cũng xây dựng chiến lược để thích ứng.
Định hướng chiến lược phát triển được đề ra trong Kế hoạch 96 ban hành ngày 28-3-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH cũng nhằm hướng đến câu chuyện tương lai của Tiền Giang trong xu thế chung của vùng ĐBSCL.
Trên nền tảng chung của ĐBSCL, Tiền Giang cũng đã xác định chiến lược phát triển cho chặng đường tới. Đó là phải dựa trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.
Đó là xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là việc chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên.
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL bàn thảo giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ. |
Đó là việc tiếp cận một cách tổng thể, gắn với tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL…
Điểm mấu chốt cho câu chuyện tương lai là xây dựng kịch bản để Tiền Giang thích ứng với BĐKH nói riêng và những nội tại của vùng ĐBSCL. Bởi BĐKH được dự báo sẽ tác động không nhỏ đối với cả khu vực chứ không riêng bất kỳ một tỉnh, thành nào. Theo nghiên cứu về những biến đổi của tự nhiên trong vùng, Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, ĐBSCL hiện đối diện với 3 thách thức chính, gồm: BĐKH tập trung vào sự thay đổi về nhiệt độ, mưa, gió, bão, nước biển dâng; những hiện tượng cực đoan như El Nino gây hạn, mặn mùa khô năm 2016 và những vấn đề phát triển chưa bền vững ở ĐBSCL.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Để định hướng phát triển này đi vào thực chất và hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa theo từng mục tiêu chung. Một trong những điểm nhấn quan trọng là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang phải chủ động xây dựng Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với BĐKH theo phương pháp tích hợp đa ngành, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang tích hợp phát triển bền vững vùng ĐBSCL, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và thực hiện phương châm lấy con người làm trung tâm.
Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tham mưu triển khai thực hiện cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL, điều phối phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh... trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh.
Nhìn chung, trong mỗi chiến lược phát triển của Tiền Giang đều nằm trong bức tranh chung của các tỉnh, thành; ít nhất cũng trong vùng ĐBSCL. Đó cũng là bước đi cần thiết cho chặng đường mới của Tiền Giang.
Nhằm đạt mục tiêu được đề cập trong Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát số liệu, hoàn thiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường. Cập nhật, công bố định kỳ kịch bản về BĐKH và nước biển dâng liên quan đến vùng, tỉnh phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang cần rà soát, hoàn thiện, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh phù hợp với định hướng phát triển mới, bền vững của vùng ĐBSCL. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, đảm bảo không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển. Thực hiện lồng ghép nội dung đánh giá môi trường chiến lược và ứng phó với BĐKH trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai thực hiện vụ đánh giá khí hậu tỉnh Tiền Giang và nhiệm vụ xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ngành Nông nghiệp Tiền Giang được dự báo sẽ chịu tác động nặng do BĐKH nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025.
Ngành Nông nghiệp Tiền Giang cần chuyển đổi mạnh mẽ. |
Tiến hành điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các quy hoạch sản phẩm ngành Nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch thủy lợi phòng, chống thiên tai của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đảm bảo giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất.
Ngành Nông nghiệp cũng sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH gắn liền với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thích ứng với BĐKH sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tích hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng...
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cần rà soát điều chỉnh định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là cây ăn quả - thủy sản - lúa gạo phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL trong tình hình mới; giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái.
Do vậy, việc xây dựng kịch bản ứng phó với BĐKH nói riêng và chiến lược phát triển để ứng phó với các vấn đề nội tại trong bức tranh chung của ĐBSCL là vấn đề mang tính cấp bách đối với từng tỉnh, thành trong vùng và tất nhiên trong đó có Tiền Giang. Chính vì thế, Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ ra đời được dự báo sẽ tạo nên bước tiến mới cho ĐBSCL trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Và dĩ nhiên, Kế hoạch 96 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đang được mong đợi sẽ tạo thêm một bước tiến cho Tiền Giang trong bức tranh chung của ĐBSCL…
A.P