(ABO) "Chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, liên tục bám biển, quyết chiến quyết thắng" - 16 "chữ vàng" này đã trở thành kim chỉ nam, hun đúc nên bản lĩnh thép và ý chí kiên cường của từng thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân suốt 59 năm qua.
 |
Biên đội tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 huấn luyện vận động đội hình hàng ngang trên biển năm 2025. |
BỀ DÀY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG
Giữa năm 1966, trước tình hình đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam, Quân ủy Trung ương ra chủ trương tăng cường, củng cố lực lượng chiến đấu trên biển, tăng cường tàu tuần tiễu. Ngày 9-7-1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định thành lập Trung đoàn 171, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân nhân dân Việt Nam.
Từ đây, Tàu tuần tiễu săn ngầm trở thành một đơn vị cơ động, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của Quân chủng trong thời điểm chiến tranh ngày càng ác liệt. Với lực lượng gồm 18 tàu của 3 phân đội: 3, 6 và 7, cùng 2 tiểu đoàn 12 và 200. Chủ yếu là các tàu tuần tiễu săn ngầm 79 tấn, tàu quét mìn 50 tấn của các đoàn 130 và 135. Đây là những đơn vị đã từng anh dũng, lập công trong chiến thắng trận đầu oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày 5-8-1964.
 |
Tàu 09, Lữ đoàn 171 tham gia diễn tập thực binh trên biển trong nhiệm vụ Diễn tập Komodo tại Indonesia đầu năm 2025. |
Sau khi thành lập, giai đoạn 1966 - 1969, Trung đoàn đã nhanh chóng kết hợp với các lực lượng phòng không địa phương, bắn rơi nhiều máy bay địch, làm thất bại âm mưu phá hoại của Mỹ - Ngụy, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đắp xây truyền thống chiến đấu quả cảm, dám đánh, biết đánh và quyết thắng của Bộ đội Hải quân. Nhiều tập thể tàu anh hùng, cá nhân dũng cảm, phân đội kiên cường đã xuất hiện.
Tiêu biểu là tàu 1-8-1, một mình kiên cường chống trả 30 lượt máy bay địch trên vùng trời Khu 4, trở thành “pháo đài thép” giữa dòng sông Lam, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng đặc biệt khen ngợi. Đặc biệt là Phân đội 7 - “cánh chim đầu đàn” của Trung đoàn, đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bắn rơi 32 máy bay, đánh chìm một tàu biệt kích Mỹ, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Chỉ trong 3 năm, họ đã viết nên những nốt nhạc đầu tiên mang âm hưởng hào sảng, mở đầu cho bản hùng ca giữ biển suốt hơn nửa thế kỷ của Lữ đoàn 171 Hải quân Anh hùng.
 |
Lữ đoàn 171 tổ chức Chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu (nay là TP. Hồ Chí Minh). |
Bước sang những năm 1970 - 1972, Trung đoàn 171 tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch rà phá thủy lôi, khơi thông tuyến vận tải chiến lược Nam Triệu - Hòn Gai - Hải Phòng, đảm bảo cho luồng hậu cần huyết mạch thông suốt. Mùa xuân 1975, Trung đoàn sát cánh cùng toàn quân tiến công giải phóng Đà Nẵng, Sài Gòn, tiếp quản căn cứ hải quân Ba Son và các đảo phía Tây Nam, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử.
Đất nước giải phóng, nhưng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vẫn đứng trước nhiều mối đe dọa, nhận rõ điều đó, ngày 10-10-1975. Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập Hạm đội 171 Cơ động, trên cơ sở hợp nhất Trung đoàn 171 làm nòng cốt và đơn vị 175 với chức năng cơ bản là lực lượng cơ động chiến đấu xung kích trên biển, đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Năm 1978, trước sự kích động, hậu thuẫn của các thế lực phản động nước ngoài, tập đoàn phản động Pôn-Pốt, bạo tàn đã mở nhiều cuộc xung đột vũ trang, gây các cuộc thảm sát đẫm máu đối với nhân dân Campuchia và Việt Nam ở biên giới Tây Nam.
Tà Lơn - Chiến dịch đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam với nòng cốt là Hạm đội 171 được tiến hành năm 1979 với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, Hạm đội 171 đã sử dụng hỏa lực công kích cảng Côngpôngxom và quân cảng Ream, ngăn chặn kịp thời nhóm tàu phóng lôi của địch ra phản kích ở Tây Nam cảng Ream; đồng thời, phối hợp với lực lượng bộ binh đánh chiếm các mục tiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng của địch. Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường tiến công địch, các lực lượng của ta đã hiệp đồng chặt chẽ, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh cả trên biển và trên đất liền, bao vây, chia cắt, đẩy địch vào thế bị cô lập và nhanh chóng tan rã, góp phần giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Đến năm 1981, cùng với chủ trương chấn chỉnh lực lượng tinh giản biên chế của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hạm đội 171 được chuyển thành Lữ đoàn 171 và phát triển cho đến hôm nay.
DẪN ĐẦU TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Đảng, Nhà nước ta triển khai xây dựng cụm Kinh tế khoa học kỹ thuật dịch vụ, gọi tắt là DK-I, tại các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Lữ đoàn 171 được lệnh tiếp nhận nhiệm vụ chiến lược này, cùng với các lực lượng tiến hành khảo sát xây dựng các nhà giàn trong muôn vàn khó khăn thử thách, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vật chất thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng sự nỗ lực, ý chí, giữa năm 1989, trên các bãi cạn Phúc Tần, Ba Kè, Tư Chính, 3 Nhà giàn DK-I đầu tiên đã được dựng lên, trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam.
 |
Biên đội tàu 09, tàu 17 phóng bom phản lực trong diễn tập năm 2024. |
Hơn 20 năm, khung quản lý Nhà giàn DK-1 đã là một bộ phận nằm trong đội hình chiến đấu của Lữ đoàn 171 Hải quân, với nhiệm vụ chốt giữ và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Trong suốt thời gian đó, hàng ngàn lượt tàu lạ qua lại đã bị theo dõi, phát hiện, xua đuổi, hàng chục tàu cá bị nạn đã kịp thời được cứu vớt, Nhà giàn DK1 trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Ghi nhận những chiến công, thành tích xuất sắc, Lữ đoàn và 7 đơn vị trực thuộc đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy truyền thống anh hùng, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng yếu như: Diễn tập, bắn đạn thật trên biển; trực chiến chống ngầm bảo vệ căn cứ Cam Ranh; tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam; thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất khác.
Hiện nay, trong điều kiện trang bị, phương tiện kỹ thuật đã qua nhiều năm sử dụng, hoạt động thiếu đồng bộ, Lữ đoàn tiếp tục được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, phối thuộc, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị bạn. Yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xây dựng lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, trong khi tình hình biển, đảo diễn biến phức tạp, khó lường.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao cho cán bộ, chiến sĩ; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lữ đoàn duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ tình hình trên biển, chủ động xử lý hiệu quả mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
 |
Tàu 09, Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân thực hành phóng ngư lôi. |
Công tác huấn luyện, diễn tập, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật được thực hiện đồng bộ, bài bản; cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, nêu gương trách nhiệm gắn với kết quả xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Lữ đoàn chủ động huy động mọi nguồn lực, đổi mới công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội, cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Các phong trào thi đua, cuộc vận động như “Cuộc vận động 50”, “Xây dựng tàu chính quy, mẫu mực” được triển khai hiệu quả, gắn với ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công nghệ tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ tàu và cơ quan Lữ đoàn.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ quân sự, Lữ đoàn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng thế trận lòng dân, đơn vị an toàn, địa bàn an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền biển, đảo; thực hiện hiệu quả các chương trình: “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, góp phần củng cố hậu phương, lan tỏa hình ảnh người lính biển đến cộng đồng. Vững tay lái, chắc tay súng, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn không chỉ là điểm tựa vững chắc cho ngư dân mà còn là người đồng hành trên mỗi hành trình vươn khơi, bám biển. Tình cảm quân - dân ngày càng gắn bó, góp thêm sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, giữ gìn bình yên biển, đảo quê hương.
Với những thành tích đạt được, Lữ đoàn nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua và Đơn vị huấn luyện giỏi; Lữ đoàn đạt vững mạnh toàn tiện “Mẫu mực tiêu biểu”, được Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu đơn vị hoạt động công tác đảng, công tác chính trị tiêu biểu, xuất sắc nhất Quân chủng, đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển, đảo tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng; cùng nhiều tập thể, cá nhân được cấp trên khen thưởng.
Vinh dự và tự hào với truyền thống 59 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân hôm nay tiếp tục giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân, nêu cao tinh thần yêu nước, tận tụy, gắn bó với đơn vị, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống “Chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, liên tục bám biển, quyết chiến quyết thắng” của Lữ đoàn Anh hùng.
Đặc biệt, cùng với khí thế của những ngày tháng 7 lịch sử, đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới và chào đón sự kiện chính trị trọng đại của toàn Quân chủng Hải quân. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
VĂN ĐƯỜNG - VIỆT LONG
.