Thứ Năm, 26/04/2018, 20:31 (GMT+7)
.

Có nên tăng nhanh diện tích trồng thanh long?

Ngoài huyện Chợ Gạo, huyện Tân Phước, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây cũng là những địa phương có diện tích trồng thanh long tăng mạnh trong những năm gần đây.

Hiệu quả kinh tế mà cây thanh long mang lại khá cao là một trong những nguyên nhân chính để người dân chuyển đổi sang trồng loại cây này. Trước đây, ít ai nghĩ rằng vùng đất ven biển Gò Công lại có thể trồng được thanh long nhưng nay diện tích trồng thanh long khu vực này đang tăng khá nhanh.

Sự hấp dẫn về hiệu quả kinh tế đã thu hút người dân trong vùng chuyển đổi sang mô hình trồng thanh long thay vì trồng cây sơ ri hay các loại cây trồng khác như trước đây. Chính vì lẽ đó, chỉ trong thời gian ngắn hàng chục ha thanh long đã bén rễ trên vùng đất nhiễm mặn này.

Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đang tăng rất nhanh.
Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đang tăng rất nhanh.

Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Chí Trung cho biết, đến nay toàn huyện có khoảng 50 ha trồng thanh long, chủ yếu là giống ruột đỏ, tập trung nhiều ở xã Kiểng Phước và hiện đang có xu hướng mở rộng sang xã Tân Điền. Dự kiến đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 200 ha trồng thanh long.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tiêu thụ thanh long trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thương lái nên các địa phương cần tăng cường thực hiện liên kết vùng để chủ động sản xuất do giá bán thanh long thời gian qua còn “nhảy múa” theo từng thời vụ thu hoạch.

Huyện Tân Phước cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng thanh long đang tăng rất nhanh. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm gần đây toàn huyện có hơn 500 ha trồng thanh long, với khoảng 90% diện tích là giống thanh long ruột đỏ, 10% thanh long ruột trắng; tập trung ở các xã: Tân Lập 1, Thạnh Tân, Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông...

Điểm khác biệt là việc trồng thanh long trên địa bàn huyện Tân Phước đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung do các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên quy mô lớn, như Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đầu tư trên 60 ha, Công ty TNHH Long Việt cũng đã đầu tư trồng trên 45 ha.

Việc tăng nhanh diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện Tân Phước một phần do hiệu quả kinh tế từ cây thanh long mang lại, một phần do giá khóm trong những năm gần đây quá thấp nên người dân mạnh dạn chuyển đổi.

Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Tân Phước Đỗ Vũ Thuận, diện tích trồng thanh long tăng nhanh cũng để lại nhiều lo lắng về thị trường tiêu thụ, vì chi phí đầu tư trồng thanh long tương đối lớn.

Tiêu thụ thanh long - Ảnh: Ngọc Lan.
Tiêu thụ thanh long - Ảnh: Ngọc Lan.

Trên bình diện tổng thể, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chỉ sau thời gian ngắn sau khi triển khai Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” vào tháng 8-2017, đến cuối năm 2017 diện tích trồng thanh long tăng thêm khoảng 730 ha, nâng tổng diện tích trồng thanh long toàn tỉnh đạt 6.325 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo với hơn 5.500 ha.

Với tốc độ tăng diện tích như hiện nay, khả năng tỉnh sẽ hoàn thành sớm kế hoạch đạt 9.000 ha trồng thanh long vào năm 2025 theo mục tiêu Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa cho biết, toàn bộ các diện tích thanh long được trồng mới đều sử dụng trụ bê tông và xử lý ra hoa bằng hình thức xông đèn nên đạt hiệu quả cao. Năng suất thanh long trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng tăng lên, năm 2017 năng suất đạt bình quân 29,5 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 145.014 tấn. Theo đó, thanh long ruột đỏ chiếm 45% và thanh long ruột trắng chiếm 55% diện tích.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo tính toán của Sở NN-PTNT, thanh long ruột trắng có lợi nhuận trung bình đạt 232 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ có lợi nhuận trung bình khoảng 456 triệu đồng/ha/năm (cây 4 - 5 năm tuổi), với giá bán bình quân đối với thanh long ruột trắng là 11.500 đồng/kg và thanh long ruột đỏ là 29.000 đồng/kg.

Với mức thu nhập như thế, hiệu quả kinh tế của cây thanh long cao hơn cây lúa từ 6,1 - 13,1 lần. Chính nhờ hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên đã thu hút sự quan tâm của người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang thanh long trong những năm gần đây.

Đánh giá của Sở NN-PTNT cũng cho thấy, hệ thống thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh chủ yếu do hệ thống thương nhân đảm nhận, năng lực thu mua của nhóm này chiếm khoảng 90.000 tấn/năm, chiếm 64% tổng sản lượng thanh long.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa thu mua chỉ đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Nhìn chung, toàn bộ sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh được thu mua và đưa ra thị trường tiêu thụ, chủ yếu dưới dạng trái tươi.

Theo đó, đối với thanh long chính vụ có khoảng 30% tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, xuất khẩu chỉ chiếm 10%, 60% còn lại tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Đối với thanh long nghịch vụ, khoảng 80% được xuất khẩu chủ yếu ở dạng tiểu ngạch hoặc ủy thác, 20% còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa.

“Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp và 45 cơ sở thu mua thanh long; có 4 doanh nghiệp đông lạnh thanh long xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ và hiện chưa có doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long. Riêng Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã đầu tư hệ thống xử lý nhiệt đối với trái thanh long”- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa cho biết.

Thu mua thanh long tại Công ty
Thu mua, sơ chế thanh long tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường.

Trong buổi làm việc về đánh giá tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu, tính toán lại nhu cầu tiêu thụ và khả năng trồng thanh long của Tiền Giang.

Bởi thực tế cho thấy, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian gần đây, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, huyện Tân Phước, huyện Gò Công Tây và gần đây là huyện Gò Công Đông. Đặc biệt là hiện nay diện tích trồng thanh long được chuyển đổi từ diện tích trồng khóm trên địa bàn huyện Tân Phước cũng tương đối lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT về hỗ trợ mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái thanh long trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu quy chuẩn kỹ thuật đối với trụ trồng thanh long, trên cơ sở đó phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất trụ trồng thanh long với số lượng nhiều, đúng quy cách để bán cho người trồng thanh long, góp phần giảm giá thành sản xuất.

Sở NN-PTNT cũng cần chọn một số vùng đã trồng thanh long theo mô hình kỹ thuật cao có hiệu quả; hỗ trợ, phối hợp với UBND huyện Gò Công Đông chọn một số nông dân có tâm huyết trong vùng phát triển trồng thanh long tại địa phương đến khảo sát, trao đổi học tập kinh nghiệm…

ANH PHƯƠNG

.
.
.