Thứ Sáu, 02/05/2025, 15:14 (GMT+7)
.

Hướng về dân, bàn những quyết sách vì dân

Hướng về nhân dân, bàn những quyết sách vì nhân dân là nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Với tinh thần ấy, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tới đây sẽ bàn, quyết định nhiều nội dung quan trọng, như sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và một số luật phục vụ việc tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

a
Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV - phiên họp quan trọng chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 9 - dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 tới. (Ảnh Nghĩa Đức)

Lắng nghe ý kiến cử tri để quyết định đúng đắn

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được cử tri cả nước đặt niềm tin, theo dõi sát sao hơn thường lệ, bởi đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề mang tính lịch sử, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Một trong những nội dung cử tri quan tâm nhiều là chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đây là cuộc cách mạng về tổ chức với quy mô lớn chưa từng có, cho nên không tránh khỏi tâm tư băn khoăn, lo ngại. Khó, phức tạp, nhưng với cách làm quyết liệt, bài bản của Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, ý chí của Đảng đang từng bước thành hiện thực với kết quả cụ thể, như đã giải thể, hợp nhất một số ban, bộ, ngành Trung ương; thống nhất giảm 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn 34 tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính cấp xã giảm còn từ 30% đến 40% so với hiện nay, bỏ cấp huyện,… Chính điều ấy đã truyền cảm hứng, niềm tin cho cử tri để các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp như đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, thiết thực và ý nghĩa, làm “cầu nối” cho cử tri và Quốc hội.

Với chủ trương tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, “ý Đảng” đã quyện “lòng dân”, song cử tri đề nghị cần công khai lựa chọn đúng cán bộ đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu cho bộ máy mới hoạt động, hiệu năng, hiệu quả, gần dân, sát dân, hiểu dân và vì dân; có chính sách phù hợp đối với cán bộ dôi dư; có định hướng giải pháp tránh lãng phí, thất thoát tài sản công dôi dư, nhất là các công sở. Đây là những việc khó, phức tạp, nhưng nếu mọi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu vì lợi ích chung, đoàn kết thống nhất thì cử tri tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp.

Mặt khác, rất cần sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, sâu sát của các cơ quan chức năng, Quốc hội, sớm ngăn chặn kịp thời tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ. Khi phân quyền cho cơ sở phải gắn liền với cơ chế quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó, gắn liền với kiểm tra, giám sát, nếu không rất dễ dẫn đến lạm quyền, thậm chí lộng quyền, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Trăn trở của cử tri tin rằng sẽ là những điều mà đại biểu Quốc hội quan tâm khi bàn thảo, thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật và tăng cường công tác giám sát để pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Để xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhiều tháng nay, các ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9. Trước kỳ họp, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức tiếp xúc cử tri (sau khi kỳ họp kết thúc cũng vậy) để nắm bắt những vấn đề đang đặt ra của đất nước do cử tri phát hiện, phản ánh. Dù bàn vấn đề gì, như sửa đổi luật hay xây dựng nghị quyết đều lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, gắn kết hài hòa với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Kỳ họp lần này có rất nhiều nội dung lớn, phức tạp phải bàn và sửa đổi để sớm thể chế hóa chủ trương tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính, nhằm bảo đảm đúng tiến độ mà Trung ương chỉ đạo. Đây là tầm nhìn chiến lược của Đảng; là đòi hỏi của công cuộc đổi mới; là vấn đề hệ trọng của đất nước. Cử tri mong muốn Quốc hội giành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo và đưa ra những quyết sách đúng đắn, sửa đổi luật để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt thể chế”, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Việc sắp xếp bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng tinh, gọn, mạnh cũng là nhằm bảo đảm cho chính quyền gần dân, sát dân hơn, chuyển từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn là bỏ cấp huyện thì cấp xã hoạt động thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở. Trong khi đội ngũ cán bộ ở cấp xã nhìn chung còn hạn chế cả về trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn, kỹ năng giải quyết những vấn đề bức xúc, vấn đề lớn còn yếu. Ở vùng sâu, vùng cao, biên giới lại càng khó khăn hơn. Trước mắt có thể sử dụng cán bộ cấp huyện cho những nơi cần thiết, nhưng ngay từ nay, cần có kế hoạch lâu dài về nội dung, chương trình đào tạo toàn diện để cơ cấu bố trí lại đội ngũ cán bộ cấp xã.

Chưa bao giờ có nhiều việc lớn, hệ trọng được giải quyết cùng lúc như hiện nay. Kỳ họp thứ 9 lại diễn ra trong khi chúng ta “vừa chạy vừa xếp hàng” để tinh gọn bộ máy; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Với tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội, cử tri tin tưởng Kỳ họp thứ 9 lần này sẽ đáp ứng những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi.

Dự kiến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến; 45 nội dung về lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 8 nhóm nội dung gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội. Trong đó, 11 luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Theo nhandan.vn

B

.
.
.