Thứ Sáu, 02/05/2025, 15:23 (GMT+7)
.

Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình

Thế giới đang bước vào giai đoạn biến chuyển chưa từng thấy. Những cuộc cách mạng công nghệ về trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, năng lượng tái tạo và y sinh học đang đồng thời định hình lại trật tự toàn cầu. Trong bối cảnh này, quốc gia nào nắm bắt được công nghệ mới không chỉ rút ngắn con đường đến thịnh vượng mà còn củng cố nền tảng bảo vệ độc lập, chủ quyền. Ở ngưỡng cửa phát triển mới, Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.

a
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao lưu cùng sinh viên tại Lễ phát động “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, vào cuối tháng 4 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh TRẦN HẢI)

Kể từ Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận về khoa học-công nghệ. Từ một nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, chúng ta đã định vị trên bản đồ công nghệ với một số thành tựu như sản xuất vệ tinh NanoDragon, vắc-xin Covid-19 nội địa và tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, khoảng cách với khu vực và thế giới vẫn còn lớn. Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) 2024 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 44/133 quốc gia - cải thiện so với trước nhưng vẫn cách xa so với Singapore (4) hay Malaysia (33).

Ba trở lực chính cho phát triển công nghệ ở Việt Nam là hạ tầng, nhân lực và môi trường pháp lý. Về hạ tầng, các phòng thí nghiệm từ đại học, viện nghiên cứu đến doanh nghiệp chưa được đầu tư thích đáng. Thiết bị hiện đại phải nhập khẩu với chi phí cao, trong khi bảo trì và nâng cấp gặp nhiều khó khăn.

Nhân lực đang là điểm nghẽn nghiêm trọng. Mặc dù Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, nhưng tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản về khoa học-công nghệ còn hạn chế. Theo số liệu của World Bank, Việt Nam có khoảng 800 nhà nghiên cứu trên một triệu dân, thấp hơn nhiều so các nước mạnh về công nghệ trong khu vực như Singapore (7.900), Hàn Quốc (9.400), hay Trung Quốc (1.800). Vấn đề này hiện hữu rõ nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn, khi hiện tại Việt Nam mới chỉ có hơn 5.000 kỹ sư, trong khi nhu cầu thực tế lên đến hơn 50.000 người.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý chưa thật sự tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo phát triển. Những rào cản về thủ tục hành chính, quy định bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ chế đầu tư mạo hiểm còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các cơ chế đặc thù cho hoạt động nghiên cứu phát triển vẫn chưa đủ linh hoạt để khuyến khích sáng tạo và chấp nhận rủi ro.

Để khơi dòng cho tiến bộ công nghệ và gạt bỏ ba trở lực này, trước hết cần tái định hình vai trò của nhà nước. Yêu cầu đầu tiên là cần kiến tạo môi trường chính sách thuận lợi với khung pháp lý riêng cho đổi mới sáng tạo, tập trung vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Thêm vào đó, cần tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - vấn đề chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta. Một môi trường pháp lý cởi mở, khoan dung với thất bại và khuyến khích sáng tạo sẽ là chất xúc tác cho hệ sinh thái công nghệ bền vững.

Không chỉ vậy, Nhà nước cần chủ động đóng vai trò “bà đỡ” cho khoa học-công nghệ. Tổng Bí thư Tô lâm đã đề xuất nâng mức chi tiêu cho khoa học-công nghệ lên ít nhất bằng 3% chi ngân sách. Mục tiêu này tuy thách thức, nhưng rất cần thiết nếu Việt Nam muốn “đi tắt đón đầu” về phát triển công nghệ.

Song song với việc tăng đầu tư, cần thiết lập các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo và chương trình đặt hàng nghiên cứu cho doanh nghiệp và viện, trường trong nước. Singapore đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình này khi xây dựng các “vườn ươm công nghệ” từ hơn hai thập kỷ trước, thiếp lập nền tảng vững chắc cho nền kinh tế tri thức số một châu Á hiện nay.

Trong thế giới cạnh tranh gay gắt ngày nay, là nước đi sau, Việt Nam cần tạo môi trường hấp dẫn để trở thành điểm đến thu hút công nghệ hàng đầu. Những sáng kiến như chương trình cư trú điện tử (e-Residency) của Estonia hay thị thực khởi nghiệp của Dubai cho thấy một quốc gia nhỏ cũng có thể hấp dẫn tinh hoa toàn cầu nếu có chính sách đủ linh hoạt. Thu hút chuyên gia quốc tế không chỉ mang lại tài năng, mà còn mở rộng cánh cửa tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến cho nền kinh tế.

Tại Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, người dân và doanh nghiệp mới là chủ thể chính của tiến bộ công nghệ, nhà nước không thể làm thay.

Đổi mới đòi hỏi phải chấp nhận thất bại, khuyến khích thử nghiệm, và tôn vinh những ai dám đi những con đường chưa ai từng đi. Chính vì vậy, ngay từ bản thân của mỗi cá nhân và tổ chức, cần thay đổi tinh thần sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, sang tư duy cầu tiến, chủ động sáng tạo, tìm tòi và phát hiện cái mới. Nhiệm vụ của nhà nước và xã hội là nâng đỡ và bảo vệ tinh thần đó.

Đổi mới sáng tạo, xét đến cùng, không phải là cuộc đua nước rút mà là một hành trình dài hạn. Cơ hội chỉ dành cho những quốc gia nào chuẩn bị tốt từ thể chế, giáo dục, đến tài chính và quốc tế hóa. Trong lịch sử, Cách mạng công nghiệp đưa Anh trở thành “công xưởng thế giới”, cách mạng tin học đưa Mỹ lên vị trí siêu cường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chứng kiến sự trỗi dậy của các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc. Hôm nay, khi trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng sạch đang mở ra những chân trời mới, Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá.

Để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, kết hợp lực đẩy nội địa - từ doanh nghiệp, trường viện, cộng đồng đổi mới sáng tạo trong nước - với lực kéo quốc tế - thông qua học hỏi, thu hút công nghệ và nhân tài toàn cầu. Nếu nhanh chóng hành động, chúng ta hoàn toàn có thể đặt nền móng vững chắc để bước vào nhóm quốc gia phát triển vào năm 2045 như mục tiêu đề ra.

Hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam mới chiếm chưa đến 0,8% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 0,5% GDP - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,7% của các nước OECD, 5,2% của Hàn Quốc và 3,6% của Nhật Bản.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.