Thứ Tư, 30/10/2019, 21:04 (GMT+7)
.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh

(ABO) Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Một là về giải thích từ ngữ, đề nghị xem xét chuyển khoản 7 lên vị trí của khoản 3 Điều 2 để phù hợp và mang tính liên tục trong việc giải thích từ “hộ chiếu” rồi đến “hộ chiếu có gắn chip điện tử”, sau đó mới đến các khoản giải thích về các loại hộ chiếu phân biệt theo mục đích sử dụng như: “hộ chiếu ngoại giao”, “hộ chiếu công vụ”, “hộ chiếu phổ thông”. Như vậy sẽ phù hợp hơn và dễ tra cứu khi luật được Quốc hội thông qua.

Hai là về các hành vi bị cấm, đề nghị xem xét bỏ từ “cố ý” tại khoản 1 Điều 4. Vì khó có thể đánh giá thế nào là cố ý hay vô ý nên dễ bị lợi dụng khi áp dụng trên thực tế. Bên cạnh đó, việc bỏ từ “cố ý” cũng tăng thêm tính răn đe đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm tại Điều 4 dự thảo, bởi lẽ hiện nay dự thảo chỉ mới liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm, mà chưa có quy định hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm ra sao dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế.

Ba là về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, tại khoản 5 Điều 36 dự thảo, đề nghị cần phải bổ sung cụm từ “và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước” vào ngay sau cụm từ “quản lý thuế” để đảm bảo ngoài nghĩa vụ nộp thuế, công dân còn phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính khác như nộp tiền sử dụng đất trước khi xuất cảnh. Như vậy, khoản 5 Điều 36 được thể hiện lại như sau:

“5.  Người đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.”

Bên cạnh đó, đề nghị nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh” tại khoản 8 Điều 36. Bởi lẽ cho dù được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh thì vẫn nên hạn chế tối đa việc xuất cảnh để tránh xảy ra tình trạng lây lan bệnh dịch, truyền nhiễm bệnh dịch từ người đang bị dịch bệnh nguy hiểm khi tiến hành các thủ tục xuất cảnh tại sân bay, di chuyển lên máy bay. Như vậy, khoản 8 Điều 36 được thể hiện lại như sau:

“8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng.”

Bốn là, đề nghị bổ sung cụm từ “trong xuất cảnh, nhập cảnh” vào tiêu đề của Điều 4 và Điều 5 cho đầy đủ về ý nghĩa. Như vậy, tiêu đề của Điều 4 và Điều 5 được thể hiện lại như sau:

“Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong xuất cảnh, nhập cảnh”

“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong xuất cảnh, nhập cảnh”

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.