Thứ Tư, 31/08/2022, 10:06 (GMT+7)
.

Thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

Trong những năm qua, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa Luật Bình đẳng giới (có hiệu lực từ ngày 1-7-2007) từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Trên cơ sở hệ thống pháp luật và các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về bình đẳng giới, Tiền Giang đã nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11, Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị và các chương trình, đề án, chiến lược, chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tỉnh chủ động ban hành kế hoạch thực hiện trong các giai đoạn từ 2011 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030; thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực và vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

GÓP PHẦN NÂNG CAO VAI TRÒ, VỊ THẾ CỦA PHỤ NỮ

Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ theo giai đoạn và hằng năm với các mục tiêu, hoạt động cụ thể.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh (LĐTB&XH), Cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, từ năm 2007 đến nay, Tiền Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đặc biệt là đối với người dân thuộc hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa trên nguyên tắc bình đẳng giới.

Cùng với đó, hình thức truyền thông cũng được đổi mới. Các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ. Với nhiều giải pháp linh hoạt, công tác bình đẳng giới đạt được kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét.

Trong lĩnh vực chính trị, Tiền Giang đã thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ như bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cán bộ nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý.

Tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh tăng cao hơn các nhiệm kỳ trước. Kết quả thể hiện rõ qua việc Tiền Giang có nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, như sau: Đại biểu Quốc hội: Nữ 3/8 đại biểu, chiếm tỷ lệ 37,5%; HĐND cấp tỉnh: Nữ 17/61 đại biểu, chiếm tỷ lệ 27,87%; HĐND cấp huyện, thành, thị: Nữ có 114/365 đại biểu, chiếm tỷ lệ 31,23%; HĐND cấp xã, phường, thị trấn: Nữ có 1.300/4.468 đại biểu, chiếm tỷ lệ 29,10%.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, trong những năm qua, phụ nữ Tiền Giang được đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp, tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng tăng. Chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phụ nữ yếu thế được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Đồng thời, chị em phụ nữ trong toàn tỉnh luôn đóng góp tích cực trong nghiên cứu khoa học và sáng kiến; làm chủ nhiệm các đề tài cấp tỉnh, cấp bộ và đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng của tỉnh và Trung ương.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực gia đình, toàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới; tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong gia đình; tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 94,59% hộ đạt gia đình văn hóa; 99,6% ấp, khu phố văn hóa; 93,02% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường/thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…

Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ cho nạn nhân, giải quyết các vụ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh được triển khai có hiệu quả. Trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 697 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 602 đội/nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 515 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, gần 200 cơ sở tư vấn, hầu hết đơn vị cấp xã có đường dây nóng báo nhanh, xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực gia đình…

TIẾP TỤC NỖ LỰC VÌ XÃ HỘI BÌNH ĐẲNG, TIẾN BỘ

Sau 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Tiền Giang đã đạt được kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong hành động, nhận thức về bình đẳng giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Tiền Giang cũng còn một số vướng mắc, khó khăn, đó là các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung (đơn cử, tại khoản 3, Điều 10, Luật Bình đẳng giới quy định bạo lực giới là hành vi bị nghiêm cấm nhưng hiện nay chưa có định nghĩa hoặc mô tả cụ thể hành vi nào là hành vi bạo lực trên cơ sở giới); giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành khác còn thiếu đồng bộ, hạn chế khả năng thực thi và hiệu quả áp dụng của Luật Bình đẳng giới trong thực tế; một số quy định của Luật còn khó triển khai trên thực tế…

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để đạt mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng tiến tới bình đẳng giới.

Đồng thời, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực đời sống gia đình, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững tỉnh nhà. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này, theo Sở LĐTB&XH, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

Đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp để triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách đồng bộ, hiệu quả.

Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các sở, ngành, địa phương. Lồng ghép các chỉ tiêu của Kế hoạch với các chính sách, chương trình, đề án, dự án khác đang triển khai trên địa bàn để tận dụng các nguồn lực sẵn có, tối đa hóa kết quả, hiệu quả.

Xây dựng mới và duy trì triển khai các chương trình, dự án, đề án, mô hình về bình đẳng giới phù hợp với điều kiện của địa phương, như: Thực hiện thí điểm việc đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng ở cấp bậc học phù hợp; đồng thời, xây dựng lộ trình nâng cao năng lực cho giáo viên về giảng dạy các nội dung bình đẳng giới…

Hơn nữa, ngoài những nỗ lực quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương trong tỉnh, cùng sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, để có thể đi đến giải quyết các vấn đề do bất bình đẳng giới gây ra rất cần sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của mỗi người dân trong tỉnh về vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ.

Do đó, rất cần có sự chung tay của mỗi người dân phối hợp với chính quyền cùng hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới đã đề ra nhằm xây dựng một xã hội mà nam giới, nữ giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, phát triển toàn diện và bền vững.

H. NGHỊ

.
.
.