Thứ Sáu, 03/01/2020, 21:45 (GMT+7)
.

Xâm nhập mặn tại ĐBSCL sớm, sâu và gay gắt hơn

Đó là cảnh báo của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị “Phòng chống hạn mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh” khu vực ĐBSCL.
 
Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành trong vùng, vừa diễn ra sáng 3-1 tại tỉnh Bến Tre
 
a
Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải ứng phó hiệu quả với tình hình hiện nay cũng như bảo đảm thích ứng lâu dài.
Phát biểu đề dẫn thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vùng ĐBSCL là vùng trù phú, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho toàn vùng và cả nước.
 
Tình hình hạn mặn dự báo sẽ xảy ra nghiêm trọng, đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân cần nỗ lực, chung tay cùng thực hiện các giải pháp phòng-chống, giảm nhẹ tác hại của hạn mặn.
 
Theo Phó Thủ tướng, phải ứng phó hiệu quả với tình hình hiện nay cũng như bảo đảm thích ứng lâu dài. Trong đó, ưu tiên đầu tiên là phải bảo đảm đời sống của người dân; bảo đảm nước cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp; bảo vệ mùa màng, không để hạn mặn gây ảnh hưởng lớn.
 
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình hàng năm (TBNN), trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016.
 
Cụ thể ranh mặn lớn nhất 4g/lít ở các cửa sông như sau: Sông Vàm Cỏ Đông: Phạm vi xâm nhập mặn 94 km, sâu hơn TBNN 33km, xấp xỉ năm 2016; Sông Vàm Cỏ Tây: Phạm vi xâm nhập mặn 92 km, sâu hơn TBNN 34km, tương đương năm 2016; Sông Cửa Tiểu: Phạm vi xâm nhập mặn 50 km, sâu hơn TBNN 20km, cao hơn năm 2016 3km; Sông Cửa Đại: Phạm vi xâm nhập mặn 50 km, sâu hơn TBNN 18 km, thấp hơn năm 2016 1km; Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 57km, sâu hơn TBNN 26 km, thấp hơn năm 2016 3km; Sông Cổ Chiên: Phạm vi xâm nhập mặn 61km, sâu hơn TBNN 27 km, thấp hơn năm 2016 4km;  Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 58km, sâu hơn TBNN 23 km, thấp hơn năm 2016 2km; Sông Cái Lớn: Phạm vi xâm nhập mặn 60km, sâu hơn TBNN 20 km, thấp hơn năm 2016 2km.
 
Theo tính toán Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông diễn biến như sau: Vùng các sông Vàm Cỏ bắt đầu từ giữa tháng 1-2020, cao nhất vào các tháng 2, 3-2020, giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 5-2020; Vùng các cửa sông Cửu Long đã ảnh hưởng từ gần giữa tháng 12/2019, mức độ xâm nhập cao nhất sẽ vào các tháng 1, 2; từ tháng 3-2020 giảm dần và kết thúc vào giữa tháng 4-2020 (trường hợp từ tháng 3 có gia tăng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện); Vùng biển Tây (sông Cái Lớn) thời gian ảnh hưởng bắt đầu từ giữa tháng 1-2020, cao nhất vào các tháng 2, 3-2020, giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 5-2020.
 
Xâm nhập mặn sẽ ở mức cao trong kỳ triều cường, nếu xuất hiện kết hợp gió từ phía Đông mạnh, có thể tăng đột biến trong thời gian ngắn. Mức độ xâm nhập mặn có thể thay đổi, tùy thuộc vào việc xả nước của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mê Công.
 
Vùng dự kiến ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tương tự năm 2015-2016, tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện ở khu vực ĐBSCL, bao gồm: Long An (8/15 đơn vị), Tiền Giang (8/11 đơn vị), Bến Tre (9/9 đơn vị), Trà Vinh (8/8 đơn vị), Vĩnh Long (4/8 đơn vị), Sóc Trăng (7/11 đơn vị), Bạc Liêu (7/7 đơn vị), Hậu Giang (4/8 đơn vị), Cà Mau (9/9 đơn vị) và Kiên Giang (10/15 đơn vị).
 
a
Bộ trưởng và thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra một số dự án thủy lợi tại Vĩnh Long, Trà Vinh vào chiểu ngày 2-1.
Còn theo dự báo của Bộ NN&PTNT, nếu tình hình hạn mặn diễn biến như dự báo thì sẽ có hàng 100.000ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng và hàng chục ngàn hộ dân nông thôn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
 
Để thích ứng và giảm nhẹ thiệt hại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần khuyến cáo nông dân chuyển đổi những diện tích chân cao sang cây trồng cạn, chú ý lựa chọn cây có hiệu quả kinh tế cao và gọn tiểu vùng, tính toán liên kết chế biến - tiêu thụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL để giảm diện tích lúa Đông Xuân 2018-2019.
 
Theo đó, để chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và giảm thiểu tối đa thiệt hại, kế hoạch canh tác lúa Đông Xuân được các địa phương xây dựng thực hiện còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm khoảng 50.000 ha so với điều kiện bình thường.
 
Đẩy sớm khung thời vụ sản xuất lúa vụ Đông Xuân ngay từ tháng 10-2019 để tránh thời điểm xâm nhập cao trùng với thời kỳ nhạy cảm của cây trồng; thực tế, trong tháng 10, 11-2019, diện tích đã xuống giống cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 450.000 ha; đến hết tháng 12-2019, sẽ không tiếp tục xuống giống vụ Đông Xuân, diện tích chưa xuống giống sẽ đẩy lùi thời vụ.
 
Khuyến cáo sử dụng những giống tốt, có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp để vừa bảo đảm yếu tố kinh tế và giảm nguy cơ thiếu nước cuối vụ; áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác hợp lý, bón phân tập trung, chăm sóc sớm, góp phần rút ngắn thời vụ 3-5 ngày…
 
Được biết, buổi chiều trước ngày diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã cũng đã đến kiểm tra các dự án thủy lợi do Bộ quản lý.
 
Tại đây, Bộ trưởng đã biểu dương Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 cùng các nhà thầu đã nổ lực đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án thủy lợi trọng điểm như: cống Ninh Quới (hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, vượt tiến độ 14 tháng); Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít, vượt tiến độ 7 tháng),...
 
Các công trình này đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn với diện tích tăng thêm so với năm 2015-2016 khoảng gần 100.000 ha.
 
Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên,...
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.