Thứ Hai, 02/12/2019, 11:05 (GMT+7)
.
DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN:

"Nút thắt" về vốn đã được tháo gỡ

(ABO) Với việc nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án) đã được chuyển về tỉnh Tiền Giang, cùng việc nhà đầu tư sắp ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng, đây là điểm mấu chốt để tháo gỡ khó khăn về vốn cho Dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa kiểm tra tiến độ thi công gói thầu XL08.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa kiểm tra tiến độ thi công gói thầu XL08.

GIẢI NGÂN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư và các bộ, ngành Trung ương đã từng bước tháo gỡ các vướng mắc của Dự án. Dù vậy, “nút thắt” lớn nhất là nguồn vốn tín dụng vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này dẫn đến việc một số nhà thầu thiếu vốn nên thi công chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.

Sau thời gian nỗ lực thực hiện các bước để nhanh chóng giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án là 2.186 tỷ đồng, ngày 27-11, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018. Theo đó: Hỗ trợ tỉnh Tiền Giang 2.186 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 để thực hiện Dự án. Đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 2, khoản 3, Điều 2 Quyết định 1625 của Thủ tướng Chính phủ; quản lý, sử dụng số vốn được ngân sách Trung ương hỗ trợ đúng quy định của pháp luật hiện hành; chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, sớm hoàn thành Dự án đưa vào sử dụng và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư theo quy định.

Sáng 29-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cùng lãnh đạo các sở, ngành đến kiểm tra tiến độ thi công gói thầu XL08 thuộc Dự án.

Gói thầu XL08 do liên doanh Công ty Hoàng An và Hải Thạch thi công đang chậm tiến độ do nhà thầu thiếu vốn.

Tại chuyến kiểm tra, đồng chí Lê Văn Nghĩa cho biết, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chia sẻ đối với khó khăn về nguồn vốn hiện nay. Đồng thời, động viên và yêu cầu Doanh nghiệp dự án, nhà thầu cùng tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa Dự án về đích đúng tiến độ…

Đồng thời, thực hiện rút dự toán đối với số vốn hỗ trợ trên theo quy định tại Thông tư 119/2016 ngày 5-12-2018 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Kho bạc Nhà nước chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn cho Dự án theo mức vốn hỗ trợ tại Quyết định phân bổ vốn của tỉnh; theo dõi riêng và định kỳ hằng tháng báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện, thanh toán vốn của Dự án nêu trên.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý). Thời gian qua Tiền Giang đã rất nỗ lực, đến nay. Nguồn vốn 2.186 tỷ đồng đã được chuyển về tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành quyết định giao vốn là tiến giải ngân. Quyền Giám đốc Ban Quản lý Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay 10.482 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng. Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn 2.186 tỷ đồng, căn cứ Nghị định 63 của Chính phủ về việc quản lý dự án PPP, 2.186 tỷ đồng sẽ ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phần còn lại thực hiện một số hạng mục xây lắp.

Sau khi vốn đầu tư được “khơi thông”, tiến độ Dự án sẽ được đẩy nhanh (trong ảnh: Cầu Thông Lưu, huyện Cái Bè).                                                                                                          Ảnh: MINH THÀNH
Sau khi vốn đầu tư được “khơi thông”, tiến độ Dự án sẽ được đẩy nhanh (trong ảnh: Cầu Thông Lưu, huyện Cái Bè). Ảnh: MINH THÀNH

Cụ thể, đối với công tác GPMB sẽ tiến hành hoàn trả phần chi phí GPMB mà tỉnh đã ứng (278 tỷ đồng); hoàn trả cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án) 1.445 tỷ đồng; tạm ứng theo hồ sơ chuẩn bị phê duyệt 10 tỷ đồng, dự trù kinh phí GPMB cho các hạng mục bổ sung đang chuẩn bị trình phê duyệt 53 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí GPMB Dự án là 1.786 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ thực hiện một số hạng mục xây lắp, trong đó ưu tiên thực hiện các hạng mục như: 22 km đường gom để phục vụ dân sinh, 3 cây cầu vượt với tổng mức đầu tư khoảng 360 tỷ đồng. Phần vốn còn lại 39 tỷ đồng, Ban Quản lý sẽ tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để sử dụng cho công tác kiểm định chất lượng công trình, chi phí quản lý của cơ quan nhà nước có phẩm quyền.

“KHƠI THÔNG” VỐN TÍN DỤNG

Cùng với việc giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án, hiện nhà đầu tư cũng đang nỗ lực đàm phán với các ngân hàng thương mại để ký kết hợp đồng tín dụng. Đây cũng là mấu chốt để đưa Dự án về đích đúng tiến độ theo cam kết. Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án (Doanh nghiệp dự án), hiện công ty đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án sau khi được giải ngân. Công ty đã có cơ chế làm cho dòng vốn vào đúng Dự án để triển khai thi công 3 ca nhằm bù lại tiến độ bị chậm. Trước mắt, công ty sẽ phân bổ nguồn vốn này tạm ứng theo giá trị hợp đồng.

Sau đó, khi nguồn vốn vay từ các ngân hàng được giải ngân, công ty sẽ thanh toán hết khối lượng nhà thầu đã thi công và tạm ứng phần còn lại cho nhà thầu có vốn để thi công. Hiện nguồn vốn tín dụng vay từ các ngân hàng đã xong báo cáo thẩm định chung. Đến ngày 15-12, công ty có thể ‘khơi thông” được nguồn vốn này. Hiện công ty đã chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để nhà thầu có thể nhận được nguồn vốn tín dụng này. Dự kiến, trong tháng 12 nguồn vốn vay của các ngân hàng có thể được giải ngân.

Cũng theo đại diện Doanh nghiệp dự án, sau khi giải ngân được nguồn vốn tín dụng, Doanh nghiệp dự án sẽ báo cáo địa phương điều chỉnh phụ lục hợp đồng, xây dựng lại tiến độ chi tiết các gói thầu. Các nhà thầu nào tổ chức làm 3 ca được thì sẽ tổ chức thực hiện trên toàn tuyến cao tốc…

D. SƠN - M. THÀNH

.
.
.