Thứ Ba, 23/04/2024, 10:04 (GMT+7)
.

Nhật ký chị Thùy Trâm: Lan tỏa mạnh mẽ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

“Có cái chết hóa thành bất tử/ Có con người như chân lý sinh ra...” Liệt sĩ - Bác sĩ (LS-BS) Đặng Thùy Trâm đã sống, cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng vì một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Điều đó, được tô điểm đậm nét qua từng trang nhật ký chị Thùy Trâm viết tại chiến trường trong thời hoa lửa, tuy khốc liệt, đau thương nhưng vẫn sáng ngời ngọn lửa khát khao, cháy bỏng vì nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

LÝ TƯỞNG CỦA MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN

Đi vào chiến trường ở lứa tuổi thanh niên, BS Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26-11-1942, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1966. Khi Mỹ - ngụy tiến hành các chiến lược chiến tranh tàn phá dữ dội tại miền Nam Việt Nam, chị đã gác lại mọi ước mơ, hoài bão và tình yêu lứa đôi để xung phong vào chiến trường B (chiến trường miền Nam), tự nguyện dấn thân cùng kề vai sát cánh với quân và nhân dân ta chiến đấu một cách kiên trung, anh hùng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

Với chị, “dù còn hay mất cũng là những ngày vui bất tận khi hòa bình chân chính trở lại trên đất nước chúng ta... Nước mắt chúng ta đã chảy nhiều rồi, xương máu cũng đổ nhiều rồi. Chúng ta có tiếc gì đâu để đổi lấy độc lập tự do”.

Là một bác sĩ quân y hay nói đúng hơn là một “chiến sĩ” cứu người, chị Thùy Trâm được điều vào công tác tại huyện Đức Phổ (nay là TX. Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi. Tại nơi chiến trường mịt mù đạn bom, chị Thùy Trâm đã có những phút giây lắng động, gửi gắm lòng mình vào những trang nhật ký - “một thế giới thu nhỏ” của chính mình.

Một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất khi đọc nhật ký của BS Đặng Thùy Trâm chính là những câu văn trích lại của một nhà văn Nga ở trang đầu quyển sách: Cái cao quý nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: “Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”, thể hiện rõ nét vẻ đẹp của lòng yêu nước, là lý tưởng cách mạng, lý tưởng của một người cộng sản cống hiến trọn đời cho quê hương.

PHẨM CHẤT CAO QUÝ CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC

Trong những ngày tham gia công tác, cứu chữa thương, bệnh binh tại một bệnh viện thuộc huyện Đức Phổ, BS Đặng Thùy Trâm đã chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nhìn những người bạn, người chị, em thân thiết của mình lần lượt mãi nằm lại trên mảnh đất quê hương, “Hường ơi! Hường đã chết rồi sao? Mình nghe tin mà bàng hoàng như trong cơn ác mộng... Xương máu đã chất cao như ngọn núi căm thù sừng sững trước mắt chúng ta... Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người không tanh ấy khỏi đất nước chúng ta”.

Cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được xếp vào 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2005 tại Việt Nam.Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2005 và một năm sau đã bán hơn 400.000 bản. Năm 2007, tác phẩm được phát hành tại Mỹ và nhiều quốc gia khác với tên tiếng Anh là “Last night, I dreamed of peace”. Hiện nay, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.

Nắn nót qua từng con chữ, chị Thùy Trâm đã ghi lại những năm tháng chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, sự hy sinh cao cả của một thế hệ anh hùng. Hình ảnh của những người lính bị thương, sự đau đớn mà họ phải chịu trong điều kiện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, nhưng ở đó, tình người vẫn đong đầy, tình đồng đội luôn san sẻ và yêu thương nhau trong những ngày sống và chiến đấu gian khổ. Chị Thùy Trâm luôn dõi theo bệnh nhân bằng đôi mắt và tấm lòng của mình, chứa đựng đủ cung bậc cảm xúc khi nhìn thấy thương binh - người chiến sĩ, đồng đội của mình mồ hôi lấm tấm trên gương mặt còn xanh mướt, ráng sức bước từng bước một, qua hết đèo lại dốc.

Chị chia sẻ về “nỗi băn khoăn của một người thầy thuốc và nỗi thương xót, mến phục người thương binh ấy làm mình không thể yên bụng... Với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó sẽ là nỗi đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc”.

Đối với một cô gái chỉ tuổi đôi mươi, xa nhà, xa gia đình là một nỗi niềm riêng mà chị phải gác lại. Có những đêm, chị nhớ về Hà Nội, nhớ từng hàng cây bên đường phố, những cây bàng, cây sấu lá xanh bóng sau những cơn mưa,... cùng những kỷ niệm ấm áp bên gia đình, gửi lời hỏi thăm người thân vào từng trang viết. “Mẹ ơi, nếu con của mẹ phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi, thì mẹ khóc ít thôi, hãy tự hào vì con của mẹ đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng phải chết một lần”.

Tuy ngôn từ mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng xuất phát từ tâm tư của một cô gái bé nhỏ nhưng thẩm thấu một nỗi niềm và ý chí vô hạn, niềm tin sắt đá vào lý tưởng cách mạng, gạt đi nỗi nhớ để nuôi dưỡng lý tưởng “nguyện suốt đời dấn thân cho Đảng, cho non sông”, tiếp tục cố gắng, tin rằng ngày mai đất nước hòa bình thì bản thân sẽ được sống những ngày tháng tươi đẹp như trước đây.

Cảm nhận về cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm, Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia sẻ rằng: “Lao vào chiến tranh lúc ấy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, là vinh dự mà anh, chị, em chúng tôi cảm thấy phải giành lấy cho bằng được, để giành lại nền độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, nơi mà “mỗi người dân đều là dũng sĩ diệt Mỹ, mỗi mảnh đất đều thấm máu kẻ thù, mỗi gia đình đều mang nặng khăn tang mà vẫn kiên cường chiến đấu với niềm tin lạc quan kỳ lạ”.

“Có một người con gái tuổi hai mươi/ Đã nằm lại trên mảnh đất quê hương/ Máu thắm đỏ từng trang nhật kí/ Chị đã ra đi, cả đất nước nghiêng mình”. Chiến tranh tuy đã lùi xa, những đau thương, mất mát của quân và dân ta trong chiến tranh có thể sẽ phai nhòa, nhưng lý tưởng sống, ý thức giác ngộ và cống hiến của thế hệ thanh niên một thời khói lửa được lưu lại trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” - đại diện cho thế hệ thanh niên lúc bấy giờ vẫn mãi ngời sáng, là ánh dương tiếp tục soi rọi lý tưởng cách mạng cho thế hệ thanh niên ngày nay.

HẢI ĐĂNG

.
.
.