Thứ Tư, 17/01/2024, 21:16 (GMT+7)
.

NSND Bạch Tuyết kết hợp ca sĩ Hồ Phi Nal tung ca khúc tết

Vừa được Tạp chí Forbes vinh danh nằm trong 50 người phụ nữ châu Á có tầm ảnh hưởng, NSND Bạch Tuyết ra mắt sản phẩm âm nhạc mới kết hợp cùng ca sĩ gen Z Hồ Phi Nal. MV Cô Ba ca cổ là món quà hai nghệ sĩ tặng khán giả khi những ngày tết đang cận kề.

a
NSND Bạch Tuyết kết hợp cùng ca sĩ trẻ Hồ Phi Nal trong “Cô Ba ca cổ” cho mùa Tết 2024

Mới đây, Tạp chí Forbes đưa ra danh sách 50 over 50: Asia 2024. Đây là danh sách vinh danh 50 người phụ nữ trên 50 tuổi ở khu vực châu Á có những đóng góp to lớn, sự ảnh hưởng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực như: y học, tài chính, nghệ thuật… Năm nay, Forbes giới thiệu các gương mặt từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên Tạp chí Forbes, NSND Bạch Tuyết được giới thiệu tên đầy đủ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, là nghệ sĩ Việt Nam gắn liền với nghệ thuật cải lương. Bà lấy được bằng tiến sĩ, được phong tặng danh hiệu NSND, có sự công nhận cao nhất của quốc gia dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, khi ở tuổi hơn 60 và nhiều thông tin khác.

a
NSND Bạch Tuyết được vinh danh trên Tạp chí Forbes

MV Cô Ba ca cổ phát hành ngay tối nay, 17-1 trên kênh YouTube ca sĩ Hồ Phi Nal. Đây là sản phẩm kết hợp đầu tiên giữa NSND Bạch Tuyết và giọng ca sinh năm 1997 quê Đồng Tháp.

Ca khúc mang âm hưởng nhạc quê hương miền Tây, kết hợp với lý, câu vọng cổ ở giữa bài. Nội dung bài hát ngợi ca vẻ đẹp cảnh sắc, phẩm chất con người miền Tây, lồng ghép vào đó là hình ảnh về “một cô Ba hát hay” khiến người nghe có thể liên tưởng đến NSND Bạch Tuyết. Ca từ của bài hát mộc mạc, tình cảm.

Hình ảnh trong MV thể hiện vẻ đẹp của cảnh sắc, con người của vùng đất chín rồng như: đồng lúa, người nông dân ra đồng, trẻ con nô đùa bên dòng sông quê, ao sen…

 

 

 

 

a
Hình ảnh đẹp trong MV Cô Ba ca cổ

Với NSND Bạch Tuyết và Hồ Phi Nal, Cô Ba ca cổ là khúc ca dành cho những đứa con đang còn ở nơi xa, đang trên đường về nhà, và dành cho những ai mang tình yêu lớn với mảnh đất phương Nam. Vì thế, sản phẩm được giới thiệu khi những ngày tết đang cận kề, như lời nhắc nhớ về quê hương, nguồn cội.

“Mỗi người sinh ra cho đến ngày rời khỏi thế giới này, có biết bao cuộc di cư để làm mới chính mình và chinh phục giấc mơ của đời người. Thế nhưng, nơi chôn nhau cắt rốn luôn là nơi quay về mà tim ta thấy bình an và nhẹ nhàng nhất. Bên cạnh đó, ca khúc cũng thể hiện hình ảnh miền Tây trù phú, nghĩa tình và đầy ắp yêu thương”

NSND Bạch Tuyết chia sẻ

a
NSND Bạch Tuyết thích sự đổi mới trong việc làm nghệ thuật, luôn đồng hành cùng nghệ sĩ trẻ

 

a
NSND Bạch Tuyết và Hồ Phi Nal dành 4 tháng thực hiện sản phẩm

NSND Bạch Tuyết cho biết, bà luôn quan sát thị trường âm nhạc hiện tại, biết đến Hồ Phi Nal qua ca khúc Rồi tới luôn, Chờ trông ai, Sao trời làm gió. Sau thành công của Về nghe mẹ ru, bà và cộng sự từng nhắm đến Hồ Phi Nal để hợp tác. Tuy nhiên, sau Tia sáng cuối cùng (kết hợp rapper Wowy) thì hai bên mới có duyên kết hợp.

NSND Bạch Tuyết và Hồ Phi Nal mất 4 tháng, từ khâu lên ý tưởng cho đến khi thực hiện thành sản phẩm, ra mắt khán giả. Phần nhạc, bài lý Lý Cô Ba do Hồ Phi Nal viết lời, còn phần vọng cổ do NSND Bạch Tuyết viết.

NSND Bạch Tuyết luôn thích sự đổi mới trong việc làm nghệ thuật. Vì thế, bà không có sự trăn trở nào khi hợp tác với Hồ Phi Nal, dẫu có sự cách biệt về thế hệ. Bà luôn mong cả hai có được tiếng nói chung để tạo ra sản phẩm nghệ thuật chỉn chu dành tặng, đáp lại sự kỳ vọng từ khán giả.

NSND Bạch Tuyết nhớ chuyện xưa khi làm sản phẩm âm nhạc thời nay

Tròn 20 năm trước, trong chuyến điền dã ở bưng Đá Nổi, lung Cột Cầu (Cần Thơ), đêm giăng võng ngủ, muỗi vo ve giỡn mặt, tác giả Lê Duy Hạnh và đạo diễn Huỳnh Nga không ngủ được, thao thức tới tận gần sáng. Vậy mà tới trưa, khi “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết vừa từ thành phố về, nơi cái chòi lá bên lung, soạn giả Lê Duy Hạnh đưa cho Bạch Tuyết tờ giấy học trò.

Dàn đờn ông Sáu Tuấn (tức nhà báo Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Giám đốc Đài PT-TH Hậu Giang) còn đang lo so dây, nắn phím thì Bạch Tuyết đã cất tiếng: “Ở nơi này một vương quốc đã đi qua/ Bà chúa ông hoàng từ lâu an giấc/ Điện ngọc cung hằng vùi sâu lòng đất/ Còn chăng Đá Nổi, Cột Cầu…”

Ông già Huỳnh Nga nhìn “cô Lựu” ngạc nhiên, thú vị như cách ông đã từng ngắm nhìn “tác phẩm” của mình - Diệp Lang, Bạch Tuyết trên sân khấu 2-84 năm nào. Bài vọng cổ Miền nhớ đã ra đời như thế, trong một đêm không ngủ ở Cột Cầu.

Sự hợp tác lần này với Hồ Phi Nal cho bà cảm giác được quay lại “miền nhớ” một lần nữa. Cũng viết cho những đứa con của vùng đất phương Nam, lớn lên bên dòng Mê Kông hùng vĩ, ngọt ngào.

Theo sggp.org.vn
 

 

 

.
.
.