Thứ Tư, 11/10/2023, 21:38 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội truyền thống

Tiền Giang là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, phong phú các loại hình văn hóa phi vật thể. Trong đó, tiêu biểu và đặc sắc nhất phải kể đến là các lễ hội truyền thống. Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, từ đó không chỉ tạo ra khí thế vui tươi, phấn khởi mà còn góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống.  Ảnh chụp tại Lễ hội Kỳ yên Đình Trung (TX. Gò Công)
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Ảnh chụp tại Lễ hội Kỳ yên Đình Trung (TX. Gò Công).

Các lễ hội ở Tiền Giang trải đều trong năm, trong đó tập trung chủ yếu và đặc sắc nhất ở 2 loại hình là lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử. Thực hiện Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; các ngành, các cấp đã phối hợp với ngành Văn hóa tỉnh tổ chức nhiều lễ hội trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội dân gian là lễ hội được hình thành trong cộng đồng dân cư, phản ánh tính cộng đồng, những ước vọng của con người được hình thành và phát triển trong quá trình cộng cư, sinh sống với nhau. Lễ hội dân gian còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư ở nông thôn xưa tổ chức nhằm tưởng nhớ một vị thần bảo vệ cho đời sống của cộng đồng làng. Tại Tiền Giang, hiện còn các lễ hội như: Lễ hội Kỳ yên (huyện Gò Công Tây), Lễ hội Nghinh Ông (huyện Gò Công Đông), Lễ hội Kỳ yên Đình Trung (TX. Gò Công) ...
Lễ hội lịch sử là hình thức lễ hội mang tính chất cộng đồng, được Nhà nước tổ chức nhằm ôn lại những truyền thống lịch sử vẻ vang, những chiến công hiển hách của các vị anh hùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Tỉnh Tiền Giang có các lễ hội lịch sử tiêu biểu như: Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc: Trương Định, Thủ Khoa Huân; Lễ hội Chiến thắng: Ấp Bắc, Rạch Gầm - Xoài Mút …

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, tỉnh Tiền Giang đã có phong phú các hình thức các lễ hội mang đậm giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc. Đa số các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh do chính quyền địa phương các cấp đứng ra tổ chức trên tinh thần an toàn, văn minh, phát huy được trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân.

Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội chú trọng bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các lễ hội được tổ chức mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, mang tính chất giáo dục cao, không xảy ra những biến tướng, lệch lạc trong các lễ hội.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những thuận lợi thì việc tổ chức lễ hội của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn nhất định như: Một số lễ hội được tổ chức quy mô nhỏ, chưa gắn kết với hoạt động phát triển du lịch; một vài lễ hội tổ chức hoạt động chưa thật sự phong phú, thu hút ít người dân tham gia…

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lễ hội, trong thời gian tới, với vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động lĩnh vực văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các truyền thống lịch sử đấu tranh, lòng yêu nước, tự hào của dân tộc Việt Nam, các giá trị cốt lõi của từng lễ hội, từ đó góp phần nâng cao ý thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đưa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, chất lượng; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, kiên quyết loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan…

V.PHƯƠNG

.
.
.