Thứ Hai, 25/05/2020, 15:25 (GMT+7)
.

Nhà lưu niệm Sơn Nam: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa tinh thần Nam bộ

Nhắc đến bài thơ “Hương rừng Cà Mau”, hẳn giới văn chương ai cũng biết đây là tác phẩm của “Ông già Nam bộ” Sơn Nam. Ông là một nhà văn xuất sắc, nhà khảo cứu tài năng, nhà văn hóa am hiểu sâu sắc về đất và người phương Nam từ thời khẩn hoang và đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho đất nước. Khi đã về “bên kia thế giới”, những giá trị mà ông tạo ra vẫn tiếp tục được truyền lại cho thế hệ sau, tiếng vang vẫn còn mãi.

Khuôn viên Nhà lưu niệm Sơn Nam.
Khuôn viên Nhà lưu niệm Sơn Nam.

Ông Phạm Quang Tân, ngụ quận 12, TP. Hồ Chí Minh có chuyến du lịch tìm hiểu về văn hóa, lịch sử ở các tỉnh miền Tây, đã ghé Tiền Giang tham quan Nhà lưu niệm Sơn Nam. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết: “Tôi cũng là giới văn chương, trong làng văn nghệ sĩ Việt Nam ở Nam bộ. Tôi ngưỡng mộ 2 người là ông Vũ Đức Sao Biển và ông Sơn Nam.

Ngưỡng mộ bởi tài năng, sự thông thái và đức độ, đã thành công khi còn rất trẻ. Tôi có nhiều người bạn rất mê những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, đã kể cho tôi nghe nhiều giai thoại thú vị về ông. Đến đây, tôi cảm nhận không khí của một miền quê Nam bộ thanh bình và cái hồn của những trang văn Sơn Nam, rất vui mừng và xúc động, bởi những lưu giữ của gia đình và trao tặng cho công chúng như thế này là vô cùng quý giá!”.

Để tưởng nhớ người cha, cũng như lưu giữ những giá trị mà ông để lại, con gái thứ hai của Sơn Nam là cô Đào Thúy Hằng và chồng cô là chú Trần Đức Nghị đã xây dựng Nhà lưu niệm Sơn Nam tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình xây dựng Nhà lưu niệm Sơn Nam, chú Nghị cho biết: “Năm 2008, cha vợ tôi (Sơn Nam) mất, tôi bắt đầu có ý tưởng xây một căn nhà để lưu giữ những tác phẩm của ông, nhưng ngôi nhà phải làm sao thể hiện được nét đặc trưng của “Ông già Nam bộ” là điều tôi rất trăn trở. Để làm được điều này, tôi dành 6 tháng để đọc lại những tác phẩm của ông, để thẩm thấu những điều ông viết, cái “tâm”, cái “tình” trong các tác phẩm và quan niệm của ông trong cõi nhân sinh, để từ đó thiết kế căn nhà cũng như khuôn viên sao cho phù hợp…”.

Sau môt thời gian nghiên cứu, Nhà lưu niệm Sơn Nam được khởi công vào năm 2009, xây dựng kiểu sân vườn, với đế móng bằng đá ong trên khuôn viên rộng gần 2.000 m2 và đã khánh thành vào năm 2010. Công trình được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc kiểu nhà truyền thống Nam bộ 3 gian, mái lợp ngói, gồm gian thờ và nghi thức; gian trưng bày các tác phẩm, hiện vật của Sơn Nam và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về ông.

Kết cấu ngôi nhà được xây dựng chắc chắn, mái tứ giác, rui mè bằng chất liệu bê tông sơn giả gỗ. Vật liệu xây dựng gồm gạch thẻ chịu lực cao, cửa chính, cửa sổ đều làm bằng gỗ gõ đỏ, khung gỗ căm xe. Khuôn viên khu nhà lưu niệm được thiết kế phù điêu đá tạc chân dung Sơn Nam trước sân. Bên cạnh đó là phiến đá tạc bút tích của Sơn Nam với bài thơ “Hương rừng Cà Mau”. Bài thơ dài 28 câu, được thay lời tựa cho tập truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của “Nhà Nam bộ học”. Đây cũng được xem là bài thơ duy nhất trong sự nghiệp văn chương của Sơn Nam với những câu thơ được rất nhiều người yêu thích:

“Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...”.

Trong đó, gian chính ngôi nhà là chiếc bàn thờ giản dị và chiếc tủ trưng bày chân dung Sơn Nam qua ảnh chụp, cũng như hình ký họa của nhiều họa sĩ nổi tiếng. Nơi đây lưu giữ khá đầy đủ di sản tinh thần quý giá của “Ông già Nam bộ”, với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc như: Bà Chúa Hòn, Hương rừng Cà Mau, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam… Nơi đây còn trưng bày nhiều hiện vật của Sơn Nam, đặc biệt là chiếc máy đánh chữ ông dùng để sáng tác và cả những kỷ vật của gia đình ông mang lên từ Miệt Thứ (tỉnh Kiên Giang) như: Chiếc đèn bão, bàn ủi lá sen...

Chú Nghị chia sẻ: “Nhà lưu niệm là chỗ để gia đình hương khói ông; đồng thời, cũng là nơi để những bạn bè thân hữu và độc giả mến mộ Sơn Nam dừng chân viếng thăm mỗi khi đi miền Tây. Đặc biệt, vào dịp lễ giỗ ông hằng năm, có rất nhiều đoàn văn nghệ sĩ đến viếng và thắp hương tưởng niệm. Các bạn trẻ hay các cháu học sinh cũng tìm đến đây để chụp hình lưu niệm bởi khung cảnh đẹp và thơ mộng…”.

Chú Trương Minh Sáng, người quản lý Nhà lưu niệm Sơn Nam cho biết: “Tôi làm việc ở đây gần chục năm. Hằng ngày tôi đến mở cửa dọn dẹp, cắt cỏ, trồng hoa, chăm sóc khuôn viên và Nhà lưu niệm. Có hôm, khách phương xa gọi điện thoại báo muốn ghé thăm Nhà lưu niệm, nhưng trên đường về trễ, dù tối tôi cũng ở lại chờ để mở cửa cho khách vào tham quan. Những người đến đây đa phần là đã biết về Sơn Nam và mến mộ tài hoa của ông…”.

Thật vậy, nơi đây đã trở thành điểm dừng chân để tưởng nhớ “Ông già Nam bộ” của nhiều độc giả mến mộ ông. Theo nhiều văn nghệ sĩ, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng đến nay nhiều tác phẩm của Sơn Nam vẫn có sức hút mãnh liệt đối với bạn đọc. Bởi những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam bộ; đặc biệt, khi được thể hiện qua giọng văn mộc mạc của ông, khiến người đọc cứ bị cuốn theo, đọc đi đọc lại vẫn cảm thấy không thể khám phá hết…

GIA TUỆ

.
.
.