Thứ Hai, 11/11/2019, 15:52 (GMT+7)
.

Giữ hồn văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Với giá trị kiến trúc cùng lợi thế tự nhiên, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở tỉnh. Do đó, bảo tồn và phát huy nhằm giữ hồn văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp gắn với phát triển du lịch là việc làm cần thiết hiện nay.

Với giá trị kiến trúc cùng lợi thế tự nhiên, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở tỉnh.
Với giá trị kiến trúc cùng lợi thế tự nhiên, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở tỉnh.

1. Với hàng trăm năm tồn tại, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đi cùng với chiều dài lịch sử và vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo riêng. Nhìn vào chặng đường lịch sử, vào thế kỷ XVIII, thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1696 - 1738), năm 1732 đã thiết lập ở Dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là Dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay).

Buổi đầu lập Dinh Long Hồ, để thuận tiện cho việc khai khẩn và do mật độ dân cư phát triển, nên chúa Nguyễn đã chọn thôn An Bình Đông (thuộc xã Đông Hòa Hiệp) nay là thị trấn Cái Bè làm lỵ sở của Dinh Long Hồ. Lỵ sở tại thôn An Bình Đông tồn tại được 25 năm (tức đến năm 1757 lỵ sở mới dời qua Tầm Bào thuộc địa phận thôn Long Hồ, nay là TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Trong suốt 25 năm là lỵ sở của Dinh Long Hồ, vùng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều quan lại và điền chủ đến sinh sống. Nhiều ngôi nhà được xây bằng gỗ, mái lợp ngói, cao, rộng, 3 gian theo kiến trúc phương Đông pha lẫn phương Tây lần lượt ra đời. Các nhà cổ không nằm sát nhau mà nằm đan xen với những vườn cây trái sum sê tạo nên vẻ đẹp dân dã, thơ mộng.

Đến nay, một số nhà cổ còn tồn tại ở xã Đông Hòa Hiệp như: Nhà ông Bái Lâu được xây từ thế kỷ XIX (Trần Văn Lâu - là một trong những điền chủ giàu có) nay là nhà ông Kiệt, nhà ông Phan Văn Đức, nhà ông Lê Văn Xoát, nhà ông Võ Văn Võ và một số nhà cổ tọa lạc tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Điều này đã góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và cảnh quan khó nơi nào có được của Đông Hòa Hiệp so với các địa phương khác từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Đặc điểm chung của các nhà cổ ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp là cột gỗ to cao; kèo, đòn tay, trính, rui, mè, đòn dông, vách ngăn, vách... đều bằng gỗ. Bên trong nhà trang trí các khuôn hoành phi, chạm khắc nghệ thuật hình những con vật như long, lân, quy, phụng, chim và các loài hoa; 2 cột cái có đôi liễn với nội dung đối xứng nhau nhằm chúc phúc, cầu may, chúc thọ.

Trước nhà là phần sân rộng có bày trí những cây kiểng cổ; phía trước có hàng rào và cửa cổng chắc chắn, khang trang, tạo thêm không gian vừa nghiêm túc vừa xinh đẹp, thể hiện sự sang trọng, hoành tráng, uy nghi, bề thế của người giàu có thời kỳ này.

Để góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt Nam, vào năm 1999 và năm 2000 tổ chức JICA của Nhật Bản đã tài trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo ngôi nhà cổ của ông Bái Lâu với kinh phí khoảng 100 ngàn USD. Sau khi được trùng tu, du khách gần xa bắt đầu tìm đến tham quan ngày càng nhiều.

Thời điểm này trùng hợp với các hoạt động du lịch của huyện Cái Bè đã và đang phát triển, nên các doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác. Nhờ vậy, ngôi nhà cổ này đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

2. Thực tế cho thấy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, các ngôi nhà cổ đã dần xuống cấp. Do đó, việc tôn tạo các ngôi nhà cổ để giữ gìn nét văn hóa, kiến trúc độc đáo đang là “bài toán” đặt ra hiện nay. Bởi lẽ, hiện các ngôi nhà cổ đang là điểm đến “hút” khách của huyện Cái Bè bên cạnh chợ nổi, vườn cây ăn trái…

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Thuận cho rằng, nhìn một cách tổng thể, Làng cổ Đông Hòa Hiệp còn có mối quan hệ mật thiết với nhiều nhà cổ lân cận thuộc xã Hòa Khánh và thị trấn Cái Bè. Do đó, muốn bảo tồn và phát huy các ngôi nhà cổ phải tiếp tục vận động nhân dân thực hiện tốt Đề án quy hoạch Làng cổ Đông Hòa Hiệp với diện tích 79,37 ha.

Trong đó, vùng 1 có diện tích 17,17 ha không xây dựng nhà cao tầng gây phá vỡ kiến trúc làng cổ; vùng 2 là 68,2 ha phát triển vườn cây ăn trái phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các nhà cổ thuộc sở hữu của người dân, do đó phải vận động hộ dân quản lý nhà cổ, giữ nguyên hiện trạng, không làm thay đổi hiện trạng di tích; định kỳ trùng tu, bảo quản nhà cổ, chống hư dột, mối mọt. Đồng thời, vận động nhân dân trồng cây xanh, hoa kiểng, vệ sinh môi trường, không phá vỡ cảnh quan làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Để bảo tồn và phát huy Làng cổ Đông Hòa Hiệp gắn với phát triển du lịch, đồng chí Lê Văn Thuận còn cho rằng cần chú trọng đến xử lý rác thải, nước thải, mỗi hộ gia đình đều có sọt rác, hố rác, thùng rác ven đường để phục vụ khách du lịch; khuyến khích người dân bảo tồn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn như các trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống bánh phồng, bánh tráng, cốm kẹo, các món ăn dân gian, các hoạt động văn hóa phi vật thể để phục vụ khách du lịch.

Đồng thời, tôn tạo những nét đẹp văn hóa như đình, chùa, miếu, góp phần phát huy lợi thế Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Hơn bao giờ hết, đồng chí Lê Văn Thuận cho rằng, cần phải xây dựng con người Đông Hòa Hiệp thân thiện, biết phục vụ khách du lịch gắn với những hoạt động sẵn có; duy trì Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp 2 năm 1 lần, tiến tới 1 năm/lần từ năm 2021 để phục vụ phát triển du lịch Đông Hòa Hiệp nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung.

Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách, phương án bảo tồn nhà cổ, chống bị hư hao hoặc có kinh phí trùng tu sửa chữa, giữ được nét đẹp ban đầu. Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ dân có ý tưởng làm du lịch, giới thiệu, quảng bá các nhà cổ chưa khai thác phục vụ du lịch. Hộ dân đều tham gia làm du lịch cùng nhau hưởng lợi chung, không để chỉ có một hai nhà có hoạt động; quan tâm hỗ trợ cho hộ mới làm du lịch, tránh hộ cũ lấn át hộ mới, giá cả không đồng nhất, cạnh tranh hạ giá…  

A.P - M. THÀNH

.
.
.