Thứ Tư, 20/11/2019, 21:09 (GMT+7)
.

Làm thế nào phát hiện bệnh tăng huyết áp?

Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra và Bác sĩ Chuyên khoa II (BS CKII) Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã có những thông tin về bệnh tăng huyết áp. Theo đó bác sĩ cho biết:

BS CKII Lê Thúy Phượng khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp.
BS CKII Lê Thúy Phượng khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Đặc điểm của huyết áp là có sự biến thiên khá lớn trong ngày và giữa các ngày. Do đó, chẩn đoán tăng huyết áp phải dựa vào nhiều lần đo tại các thời điểm khác nhau.

Tất cả những người trưởng thành bình thường phải được đo huyết áp một cách thường quy ít nhất 5 năm 1 lần ở tuổi trẻ; sau 60 tuổi cho đến 80 tuổi đo huyết áp mỗi năm 1 lần. Người có mức huyết áp bình thường cao nên kiểm tra huyết áp mỗi 6 tháng 1 lần để phát hiện kịp thời bệnh tăng huyết áp.

Ngoài ra, mọi người phải kiểm tra huyết áp ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Nhức đầu (thường là sau gáy), xây xẩm, hồi hộp, mờ mắt, bất lực (nam giới), dễ mệt, dễ toát mồ hôi, dễ xúc động, yếu nửa người hay một chi, đau ngực, khó thở, đi tiểu nhiều, tăng cân…

Huyết áp có thể được đo bởi các bác sĩ, y tá tại phòng khám hoặc thân nhân tại nhà, có thể sử dụng máy đo tự động 24 giờ (Holter huyết áp).

* Phóng viên (PV): Như vậy, bác sĩ có thể hướng dẫn về cách đo huyết áp?

* BS CKII Lê Thúy Phượng: Tại phòng khám thường đo huyết áp bằng huyết áp kế thủy ngân, đồng hồ… Bệnh nhân ngồi vài phút trong phòng yên tĩnh trước khi bắt đầu đo huyết áp. Việc đo huyết áp được tiến hành như sau: Cởi bỏ áo bó sát người (nếu có mặc), nâng cánh tay ngang vị trí của tim, bàn tay để ngửa và thả lỏng; đo ít nhất 2 lần cách nhau 1 đến 2 phút.

Lưu ý nên dùng bao cuốn tay chuẩn, phù hợp với bệnh nhân, vị trí bao cuốn cánh tay nằm ngang vị trí của tim bất kể bệnh nhân ở tư thế nào. Đặc biệt là nên đo huyết áp ở cả 2 cánh tay trong lần khám đầu tiên để phát hiện bệnh mạch máu ngoại biên; đồng thời, đo thêm huyết áp ở tư thế đứng sau khi bệnh nhân đứng được từ 1 đến 5 phút ở các đối tượng người cao tuổi, người bị đái tháo đường…

Bên cạnh đó, mọi người có thể tự theo dõi huyết áp của mình tại nhà. Việc đo huyết áp tại nhà rất có giá trị trong việc theo dõi huyết áp. Phương pháp này cho biết trị số huyết áp vào các ngày khác nhau và trong hoàn cảnh thực tế sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.

Tại nhà, một người nào đó có thể nhờ người thân đo huyết áp cho mình với phương pháp đo huyết áp như sau: Bơm nhanh túi hơi vượt trên trị số tâm thu 20 mmHg và xả túi hơi chậm (3 mmHg/giây). Chỉ số huyết áp tâm thu khi xuất hiện tiếng mạch đập đầu tiên và chỉ số huyết áp tâm trương khi mất hẳn tiếng mạch đập.

* PV: Người bệnh phải làm gì khi bị tăng huyết áp, thưa bác sĩ?

* BS CKII Lê Thúy Phượng: Trước hết, đây là một bệnh mãn tính, không điều trị dứt được mà cần xác định chung sống với bệnh bằng việc theo dõi thường xuyên (hằng ngày) chỉ số huyết áp và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều chỉnh lối sống lành mạnh như giữ cân nặng phù hợp, ăn uống hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực thường xuyên. Hạn chế rượu, bia, thuốc lá và những căng thẳng tâm lý bất lợi vì đây là những tác nhân có thể khiến cho bệnh tăng huyết áp nặng thêm.

Điều trị tăng huyết áp cần phải có sự tuân thủ lâu dài của người bệnh để đạt được những lợi ích mong muốn trong điều trị. Bệnh nhân tăng huyết áp phải được tư vấn để hiểu rõ hơn về diễn tiến tự nhiên cũng như những biến chứng của bệnh và tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt với hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp có khuynh hướng nghi ngờ tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống nên không thực hiện và chưa có niềm tin vào những lợi ích của việc thay đổi lối sống. Những hướng dẫn điều trị tăng huyết áp hiện nay đều khuyến cáo người bệnh nên thay đổi lối sống bao gồm cả trong ăn uống như: Giảm cân, giảm muối trong chế độ ăn < 6gram/ngày; giảm chất béo bão hoà (mở động vật); rượu có thể hạn chế ở mức < 30 ml rượu mạnh trong ngày với nam giới và < 15ml ở nữ giới hoặc hạn chế uống bia ở mức < 360ml/ngày; bổ sung đủ caxi, kali, magne, ăn nhiều rau quả (chất xơ); ngưng hút thuốc lá; tập thể dục đều đặn thường xuyên như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút/ngày…

Việc thay đổi lối sống này đã được chứng minh có hiệu quả giảm huyết áp, đôi lúc tương đương với một liều thuốc điều trị để hạ huyết áp. Với những bệnh nhân tiền tăng huyết áp, mức huyết áp giữa 130/85 và 140/90 mmHg, thực hiện thay đổi lối sống chứ không cần dùng thuốc có thể phòng ngừa tiến triển tăng huyết áp.

Các thử nghiệm gần đây đã khẳng định thay đổi lối sống giúp hạ huyết áp. Vì thế, người bệnh tăng huyết áp cần được hướng dẫn thay đổi lối sống và tuân thủ nghiêm ngặt về điều trị thì mới đạt hiệu quả cao trong phòng ngừa cũng như điều trị bệnh.

* PV: Xin cám ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.