Chủ Nhật, 12/08/2012, 14:16 (GMT+7)
.
Ký sự miền biển: Nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 3)

Bám biển

Kỳ 1: Dấu tích xưa & chuyện hôm nay

Kỳ 2: Về Cần Lộc nhớ Vịnh Đôi Ma

Biển không chỉ có những con sóng bạc đầu lúc dữ dội, lúc lặng yên. Biển là kho chứa nguồn tài nguyên hải sản rất phong phú, đa dạng. Khu vực ven bờ còn là nơi trú ngụ của các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Đây là nguồn nuôi sống cho những người dân vùng ven biển, sống nhờ từ nguồn lợi của biển. Nhưng để có cuộc sống ổn định họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, đôi khi cả tính mạng.

Thu hoạch nghêu
Thu hoạch nghêu.

Người dân vùng ven biển sinh ra như để làm nghề biển. Có người hành nghề nuôi thủy, hải sản ven biển; có người đánh bắt gần bờ, xa bờ. Họ sinh ra là đã quen với những con sóng bạc đầu. Đôi khi vì miếng cơm, manh áo, họ phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình.

Họ đối diện với hiểm nguy trùng trùng từ biển cả. Sau những cơn bão dữ dội đi qua, người dân vùng này phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Nhưng sau những cơn “thập tử nhất sinh”, họ vẫn tiếp tục khăn gói về với biển.

Ông Phạm Văn Beo, ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành) với mái tóc đã hoa râm, làn da rám đen do nắng gió của biển cả, tâm tư rằng gia đình ông đã 3 đời theo nghề biển, riêng ông cũng gắn bó với biển hơn 40 năm. Nghề chính của người dân ấp Đèn Đỏ là đóng đáy, nhưng những năm gần đây đánh bắt gần bờ ngày càng kiệt quệ, sản lượng hải sản kiếm được liên tục giảm dần.

“Nghề này ăn thua vào bà cậu, do con nước, luồng cá. Mặc dù khó khăn nhưng gia đình vẫn cố bám biển. Biển đã ăn sâu vào cuộc sống gia đình. Tôi chỉ sợ một ngày nào đó, không còn sức khỏe để ra biển nữa” - ông Phạm Văn Beo tâm tư.

Tập trung đầu tư các khu kinh tế ven biển

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông đã kiến nghị:

Trung ương cần xúc tiến nhanh thực hiện giai đoạn 2 khu neo đậu tàu cá Vàm Láng và hoàn thiện công trình nâng cấp đê biển; cải tạo, nạo vét sông cửa Tiểu cho các tàu biển 5.000 DWT và cửa sông Soài Rạp cho tàu 20.000-50.000 DWT thuận tiện ra vào cảng trong tương lai; tập trung đầu tư hạ tầng cho thị trấn Vàm Láng mới thành lập.

Đồng thời, kiến nghị tỉnh ưu tiên tập trung vốn đầu tư mở rộng 2 tuyến giao thông phía Nam và phía Bắc song song tỉnh lộ 871 và các hạ tầng đô thị khác theo quy hoạch đã được phê duyệt…

Còn với anh Nguyễn Văn Tám, ấp Rạch Bùn (xã Tân Điền) 20 năm theo nghề lưới cá trên biển đã chứng kiến bao mùa mưa bão, những cơn sóng to đánh ập vào mạn tàu, rồi những đợt nắng cháy da hay mùa mưa lạnh như cắt da, cắt thịt.

Vậy mà mỗi khi có việc, hoặc đến những ngày trăng lên không lưới cá được, anh lại nhớ biển da diết. Anh Tám nói rằng, tới mùa cá tàu anh lưới được từ 3-4 tấn cá mỗi chuyến, đó là từ tháng 6 đến Tết Nguyên đán, chủ yếu là các loại cá mồi.

Những tháng còn lại, đánh bắt rất khó khăn, vài ngày mới có đi một chuyến. “Tụi tui đi biển quen rồi nên không muốn chuyển sang nghề khác. Nhà tui từ chỗ có một chiếc ghe, rồi 2 - 3 chiếc đi lưới cá. Cả gia đình đều theo nghề này, nên khó mà bỏ biển được cho dù gần đây lượng khai thác được có ít hơn” - anh Nguyễn Văn Tám tâm sự.

Nguồn tài nguyên quý giá nhất ở vùng ven biển Gò Công những năm gần đây có lẽ là con nghêu, nhất là từ khi nghêu giống xuất hiện. Nhưng “vàng trắng” ở Gò Công Đông mấy năm nay cứ trồi sụt, năm được năm mất đã khiến cho người dân không ít lao đao.

Ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành nói rằng, nghêu ở Tân Thành xuất hiện rất lâu. Lúc đầu người dân thường bắt nghêu ăn, bán cho những người xung quanh. Còn nghề nuôi nghêu thịt xuất hiện vào năm 1980, người dân tự phân thành từng khu trên bãi biển làm rào chắn, bắt nghêu nhỏ mang vào khu vực của mình để nuôi.

Vào những năm đầu thập niên 1990, những hộ dân có nhu cầu được Nhà nước cấp cho 0,3 ha để nuôi nghêu. Các hộ dân tự liên kết để tạo thành vùng nuôi lớn. Thời điểm này, con nghêu không có đầu ra, một số hộ trả lại không nuôi, một số khác tiếp tục trụ lại. Tân Thành hiện có khoảng 200 hộ nuôi nghêu với diện tích trên 1.800 ha, nhiều hộ khá và giàu lên từ loài nhuyễn thể này.

Ông Nguyễn Quốc Minh, người có thâm niên nuôi nghêu ở xã Tân Thành cho biết 2 năm rồi nghêu bị chết không rõ nguyên nhân, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, gây hoang mang trong người nuôi. Năm nay, người nuôi nghêu phấn khởi. Vụ rồi ông Minh thả giống nghêu cho khoảng 3 ha mặt nước, thu hoạch được 20 tấn/ha, thu vào 500 triệu đồng, lời cũng được vài trăm triệu đồng.

Ông cho biết, nuôi nghêu rất kỳ công trong tính toán thời điểm xuống giống, tình hình thổ nhưỡng, thời tiết. Hai năm liền nghêu chết nhiều, người dân không dám đầu tư mạnh, thả ít, thưa hơn nhưng không ngờ năm nay trúng. Sau nhiều năm thua lỗ do nghêu chết, người dân rút kinh nghiệm thu hoạch trước tết và khoảng tháng 4 thả để tránh đợt nghêu chết thường vào các tháng 1, 2, 3.

Từ năm 2006, hàng năm có nghêu giống xuất hiện ở cồn Vạn Liễu và cồn Ông Mão tạo thêm cơ hội cho người dân vùng ven biển. Những năm gần đây, giá nghêu cao, nghề nuôi nghêu càng trở nên nghề “hot”. Nhờ đó, nghề nuôi nghêu đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động trên địa bàn xã Tân Thành và các xã lân cận.

“Nhưng nuôi nghêu cũng như đánh cược. Năm rồi, diện tích nuôi nghêu bị chết từ 50-100%, chiếm khoảng 1.200 ha, thiệt hại khoảng 220 tỷ đồng. Năm trước đó cũng xảy ra nghêu chết hàng loạt. Năm nay, người nuôi nghêu thịt lời từ 0,5 đến 1 tỷ đồng do tỷ lệ nghêu chết ít, giá nghêu tốt khoảng từ 25.000 - 35.000 đồng/kg.

Điển hình như hộ ông Huỳnh Văn Minh, Nguyễn Văn Nhịn. Năng suất thu hoạch khoảng 15-20 tấn/vụ/ha, thời điểm thu hoạch rộ khoảng từ tháng 10-12 âl. Nhờ nguồn thu từ nghêu giống (khoảng 2 tỷ đồng/năm), xã Tân Thành đã đầu tư vào giao thông nông thôn” - ông Ngô Phi Trường cho biết…

Vậy đó, ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân vùng biển bám biển từ đời này sang đời khác vì cuộc mưu sinh, vì quê hương phồn thịnh.

THẾ ANH - NGÔ VĂN


 

.
.
.