Thứ Bảy, 28/07/2012, 08:04 (GMT+7)
.

40 năm Mùa hè đỏ lửa: Lửa chưa tàn, hoa vẫn nở

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm trong Mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị đã khép lại đúng 40 năm nhưng dư âm khói lửa chiến tranh vẫn còn vương vấn bao thế hệ, nhất là đối với những người sinh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đến Quảng Trị, mảnh đất đau thương mà anh dũng, tôi không thể nào quên được những chiến công trong 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) mà thế hệ cha, anh đã sẵn sàng xả thân quyết chiến với kẻ thù trong Mùa hè đỏ lửa để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Một mùa hè cho đến bây giờ đã có biết bao nhiêu cuốn sách, bài báo, nhiều hội thảo khoa học lớn được tổ chức mà vẫn chưa thể nói hết được cuộc đụng đầu vô cùng ác liệt trên dải đất vĩ tuyến 17. 

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Để rồi, 40 năm sau mọi người khi nhắc đến Mùa hè đỏ lửa đều bùi ngùi nhớ như in 4 câu thơ trong bài Đò xuôi Thạch Hãn của người cựu chiến binh Lê Bá Dương, cũng là người có ý tưởng thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội nhân ngày 27-7 hàng năm: “Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Có lẽ bấy nhiêu cũng đủ nói lên những điều mà thế hệ sau mãi mãi ghi công.

Câu chuyện về 81 ngày đêm trong Mùa hè đỏ lửa còn in đậm bao thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là vào những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7. Chiến tranh đã lùi xa, những hài cốt liệt sĩ trong những ngày khói lửa ấy không còn nguyên vẹn, súng đạn và bom mìn cũng đều đã hoen gỉ, chỉ có tâm tư trong những lá thư mà người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị là còn tươi mới.

Lần giở những trang thư của các liệt sĩ tại chiến trường Thành cổ đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị mới hiểu chiến thắng quân thù có giá trị lớn lao thế nào. Đó là những bức thư cuối cùng của các chiến sĩ đã viết trước khi bước vào một trận chiến đấu lớn và sự hy sinh cũng đang chực chờ. Mãi đến gần 30 năm sau Mùa hè đỏ lửa, những bức thư của người lính cụ Hồ mới được tìm thấy trong những ngôi mộ chôn tập thể tại Thành cổ Quảng Trị.

Bất cứ ai đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay đều được biết lá thư nổi tiếng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người con của đất Kiến Xương (Thái Bình). Chị Huỳnh Thị Trang, người hướng dẫn cho du khách ở Thành cổ gần như thuộc từng chữ của bức thư này: “Toàn thể gia đình kính thương… Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ… Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Từng là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Lê Văn Huỳnh được phân công đưa bộ đội và hàng hóa qua sông Thạch Hãn. Không biết anh Lê Văn Huỳnh và những sinh viên cầm súng ra trận như anh được bổ sung vào Thành cổ đợt thứ mấy, bởi trong 81 ngày đêm của Mùa hè đỏ lửa ấy, mỗi ngày một đại đội bơi qua sông và mỗi ngày một đại đội không bao giờ còn quay về.

Anh Lê Văn Huỳnh đã viết bức thư cuối cùng cho gia đình, cho người vợ thân yêu vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng. Bức thư anh viết vội và chưa kịp gửi, có lẽ quân địch lại đến giội bom và nã pháo.

Còn với di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, người con của đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng để lại cho thế hệ sau lòng quả cảm của người lính cụ Hồ. Đó là bức thư cuối cùng mà anh Lê Binh Chủng viết cho người vợ trẻ nhưng chưa kịp gửi đã cùng anh đi vào lòng đất.

Anh Lê Binh Chủng đã viết: “Anh ra đi, nếu có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản… Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của người lính chiến đấu. Nếu anh có chết thì em nhớ nói cho con nghe về người cha của nó mà nó chưa bao giờ nhìn thấy. Em cố gắng giữ bức thư này cho đến ngày thống nhất nếu anh còn về với mẹ con em. Nếu không, bức thư này em sẽ giữ nó mãi mãi cho tới khi con khôn lớn, em sẽ trao lại cho con”.

Có lẽ không cần phải lý giải thêm vì sao chúng ta có thể chiến đấu và chiến thắng những cường quốc mạnh. Để rồi, 40 năm sau những người đến đây đều cảm thấy bùi ngùi, cảm phục. Chị Huỳnh Thị Trang kể lại: Có bà mẹ đã ngoài 80 tuổi ở tận một tỉnh phía Bắc tích cóp được ít tiền vào đây tìm người con trai duy nhất đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị nhưng đành thắp hương tại Đài tưởng niệm để cầu mong cho con bà được siêu thoát.

“Tôi có anh trai là Đinh Minh Tính là Đại đội trưởng hy sinh ở chiến trường này nhưng gia đình vẫn chưa tìm được mộ. Hôm nay, tôi, chồng, con, cháu nội, cháu ngoại vào viếng Thành cổ Quảng Trị và mong muốn biết anh tôi hy sinh ở đâu”, bà Đinh Thanh Thủy quê Nam Định bùi ngùi viết lại trong sổ lưu niệm của Thành cổ Quảng Trị.

Có người đến thăm Thành cổ Quảng Trị đã để lại mấy dòng: “Tôi là con của đất Củ Chi - vùng đất thép thành đồng - đến đây nghe kể về 81 ngày đêm sống, chiến đấu trên vùng đất khô cằn nơi xứ Quảng, tôi rất xúc động và đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ”. Còn với ông Vũ Hữu Tuệ, người Thái Bình viết: “Các anh đã viết lên trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi sẽ đời đời ghi nhớ, tiếp bước noi theo đem lại phồn vinh và hạnh phúc cho dân tộc”.

Vậy là sau 40 năm, khói lửa chiến tranh đã khép lại, vùng đất Quảng Trị đã hồi sinh. Những chồi non mới cũng đã nảy nở để tiếp nối truyền thống hào hùng mà cha anh đã viết trong Mùa hè đỏ lửa năm xưa...

THẾ ANH

.
.
.