Thứ Tư, 04/12/2019, 20:46 (GMT+7)
.

"Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

Buổi sáng, rất đông người dự phiên tòa hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang. Bị cáo là một người đàn ông có gương mặt hiền lành, can tội “Cố ý gây thương tích” anh ruột của mình. 
Anh từng đi bộ đội, có nhiều thành tích trong chiến đấu. Xuất ngũ trở về địa phương, anh chí thú làm ăn để nuôi mẹ già và vợ con, được bà con lối xóm quý mến.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Họ đều đã có gia đình riêng, sống bằng nghề mua bán trái cây, chỉ vì tranh giành mối làm ăn với nhau mà anh em bất hòa. Một lần anh gọi điện cho chủ vựa trái cây để lấy hàng như thường lệ, thì được biết anh mình đã dọa chủ vựa không được bán trái cây cho anh, nếu không thì sẽ không mua hàng nữa. Sợ mất khách sộp, chủ vựa đã cắt đứt quan hệ mua bán với anh.

Bị người anh chơi xấu, chèn ép làm ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của mình, anh đã tìm gặp để “nói chuyện phải quấy”. Do “nóng giận mất khôn” đã khiến anh phải vào tù.

Trước phiên xử sơ thẩm, chính quyền, đoàn thể và nhiều người dân nơi anh cư trú đã làm đơn kiến nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt anh 30 tháng tù treo và bồi thường thiệt hại cho người anh của mình.

Dù đã thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm mình đã xử sự không phải với em ruột, là nguyên nhân của vụ án, nhưng người anh vẫn cương quyết đẩy em mình vào tù. Người anh đã kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt, tăng mức bồi thường. Kết quả của phiên tòa hình sự phúc thẩm đúng như mong muốn của người anh: Tòa tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù giam. Thay vì được hưởng án treo để ở nhà lo cho mẹ già và vợ con, người em đã phải vào tù.

Có tiếng khóc của người thân của 2 anh em, tiếng xì xào của những người tham dự phiên tòa… Vậy mà người anh vẫn chưa hài lòng vì tòa bác yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại cho mình.

Những người tham dự phiên tòa đã không khỏi đắng lòng khi chứng kiến những người ruột thịt lạnh lùng đưa nhau ra tòa, xem nhau như kẻ thủ chỉ vì tranh giành quyền lợi cá nhân, mà quên rằng dân gian có câu: “Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc, xa gần có nhau”.

DƯƠNG MINH

.
.
.