Thứ Ba, 23/04/2024, 14:09 (GMT+7)
.

Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

(ABO) Sáng 23-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT).

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 12-2023, cả nước có 100 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 20.789 HTX nông nghiệp.

Doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. Lãi bình quân HTX nông nghiệp đạt 400 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.

Đến hết năm 2023, cả nước có 2.204 HTX, 517 tổ hợp tác, 1.091 doanh nghiệp và 186.829 hộ nông dân tham gia, các địa phương đã phê duyệt được 2.146 dự án, kế hoạch liên kết.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 2-2024, dư nợ cho vay đối với HTX, liên minh HTX đạt 6.043 tỷ đồng với gần 1.200 HTX, liên minh HTX, giảm 1,68% so với cuối năm 2023.

Trong số đó, tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17,42%; tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 52,96%; tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,62%.

Nguyên nhân tín dụng đối với HTX còn thấp là do thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu.

Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của HTX. Điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của HTX giảm.

Cùng với đó, năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau “mổ xẻ” phân tích những điểm nghẽn trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT. Đồng thời, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để tạo điều kiện cho khu vực KTTT tiếp cận nguồn vốn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX; tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, HTX…

ANH THƯ

.
.
.