.

Gò Công Đông phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024

Cập nhật: 20:06, 10/04/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 10-4, Đoàn công tác UBND tỉnh Tiền Giang do Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng làmTrưởng đoàn, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đến làm việc tại huyện Gò Công Đông về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I-2024.

Trong những tháng đầu năm 2024, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, huyện Gò Công Đông còn gặp không ít khó khăn, do ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… đã ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh tế của nhân dân. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành tỉnh cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể, giá trị tổng sản lượng toàn ngành trong quý I đạt 419 tỷ đồng; hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong quý I hoạt động ổn định và phát triển; Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã thu hút được 2 dự án, với diện tích là 11,7 ha. Tỷ lệ lắp đầy được 29% diện tích, 71% diện tích còn lại đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, huyện Gò Công Đông gieo sạ với diện tích 8.794 ha; năng suất thu hoạch ước đạt 7 tấn lúa khô/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 61.558 tấn. Rau màu thực phẩm xuống giống với diện tích 5.620 ha, sản lượng thu hoạch trên 103.000 tấn sản phẩm rau màu các loại.

Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh, công tác tiêm phòng dịch bệnh được chủ động thực hiện kịp thời. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt đến nay được 17.945 tấn thủy sản các loại. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm là 209,5 ha, với trên 100 triệu con tôm thẻ; nuôi nghêu với diện tích là 2.200 ha, sản lượng thu hoạch 3.500 tấn; nuôi cá với diện tích là 250 ha, thu hoạch trong quý 1 được 74 tấn.

Về xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Ngay từ những tháng đầu năm, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được huyện triển khai chỉ đạo quyết liệt, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn của huyện khởi sắc rõ rệt. Tiếp tục hướng dẫn, UBND các xã rà soát, xây dựng lộ trình phấn đấu duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao, xây dựng thị trấn Tân Hòa và thị trấn Vàm Láng đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2024. Về Chương trình sản phẩm OCOP, hiện nay huyện có 11 sản phẩm, đang hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đối với sản phẩm: Ruốc sấy, trái sơri tươi, nước mắm Vĩnh Lợi, lạp xưởng Ngọc Thuận, Khu di lịch Vườn Xanh...

Tình hình hạn, mặn được địa phương theo dõi thường xuyên, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng Cấp nước Gò Công khảo sát mở 77 vòi nước công cộng phục vụ người dân trong mùa khô. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND huyện kiến nghị với tỉnh tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc như: Hỗ trợ huyện mời gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Gia Thuận 1. Sớm thẩm định, trình phê duyệt chủ trương và phê duyệt dự án để huyện triển khai thi công một số công trình phục vụ xây dựng NTM nâng cao trong năm 2024. Xem xét cho chủ trương nạo vét luồng rạch Cần Lộc khu tránh trú bão tàu cá; hỗ trợ huyện đầu tư 6 tuyến ống nước sinh họat theo Nghị quyết 27/NQ-HĐND ngày 17-9-2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có những ý kiến đóng góp về những chỉ tiêu, nhiệm vụ của huyện Gò Công Đông năm 2024. Trong đó, tập trung các nội dung về công tác quy hoạch, đầu tư công, phát triển vùng công nghiệp Gò Công hướng ra biển; liên kết chuỗi trong nông nghiệp, việc phát huy thế mạnh của địa phương về kinh tế biển….

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đề nghị huyện tiếp triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch đề ra. Đối với công tác quy hoạch, đồng chí Phạm Văn Trọng cho rằng, đây là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó yêu cầu các sở, ngành có liên quan hỗ trợ cho huyện thực hiện rà soát huy hoạch của huyện gắn với huy hoạch của chung tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với sở, ngành có liên quan rà soát lại tình trạng nuôi hàu trái phép trên vùng biển Gò Công, tìm các giải pháp, hướng dẫn người nuôi cách bờ biển bao nhiêu hải lý cho phù hợp. Đồng chí Phạm Văn Trọng nhấn mạnh, Gò Công Đông là huyện ven biển, là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, do đó phải phát triển kinh tế từ biển, làm giàu từ biển; tiếp tục quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Đồng chí Phạm Văn Trọng cũng lưu ý, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của tình hình hạn, mặn, khảo sát mở các vòi nước cộng cộng phục vụ sinh hoạt miễn phí cho người dân, chủ động từ sớm, từ xa “không để một ngày người dân không có nước sạch sử dụng"; lực lượng Công an - Quân sự - Biên phòng thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát giữ vững an toàn khu vực biên giới biển của tỉnh; theo dõi tình trạng khai thác trái phép tại các lòng sông, kinh, rạch…

Đồng chí Phạm Văn Trọng mong muốn Đảng bộ huyện Gò Công Đông khắc phục mọi khó khăn, triển khai nhiều giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện trong năm 2024 và những năm tiếp theo, phấn đấu xây dựng và ra mắt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024; góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

T. LÝ - Q. TOÀN

 

 

.
.
.