Thứ Bảy, 12/06/2021, 08:06 (GMT+7)
.

Giải "bài toán" liên kết sản xuất: Bài cuối - Gỡ các "điểm nghẽn"

Giải "bài toán" liên kết sản xuất: Bài 1 - Những tín hiệu tích cực

Giải "bài toán" liên kết sản xuất: Bài 2 - Vẫn còn mạnh ai nấy làm

Ngoài tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, Tiền Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án chế biến nông sản để giải quyết “bài toán” đầu ra.

Nhiều dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.

CỦNG CỐ CÁC HỢP TÁC XÃ

Trước việc nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, Tiền Giang đang tập trung tháo gỡ khó khăn bằng việc ban hành các chính sách, tạo điều kiện để các HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đang tập trung thực hiện Nghị quyết 07/2019 ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018 ngày 5-7-2018 của Chính phủ.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.
Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững.

Trong đó, tỉnh chọn các HTX là trung tâm để triển khai chính sách này. Thông qua chủ trương này, đến nay có nhiều HTX như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới... đang được tỉnh hỗ trợ triển khai chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp này. Kết quả bước đầu cho thấy, việc hỗ trợ đã mang lại hiệu quả, giúp các HTX giải quyết bài toán đầu ra.

Trên bình diện tổng thể, chất lượng hoạt động của các HTX nói chung, trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng còn đặt ra rất nhiều vấn đề và cần được hỗ trợ tích cực. Bởi nhìn chung, các HTX nông nghiệp hiện không chỉ thiếu vốn hoạt động, mà còn gặp nhiều khó khăn trong khâu quản trị, tiếp cận thị trường và liên kết đầu ra với đối tác...

UBND tỉnh vừa phê duyệt danh mục Dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với 35 dự án và 16 kế hoạch, với một số dự án cụ thể như: Dự án Liên kết tiêu thụ lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trung, với 100 ha của 90 hộ, Dự án Liên kết tiêu thụ lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hội, với 50 ha của 68 hộ; Dự án Liên kết tiêu thụ sầu riêng của HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp, với 30 ha của 41 hộ; Kế hoạch liên kết tiêu thụ trái cây của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Minh, với 5 ha; Dự án Liên kết cung ứng đầu vào tổ chức sản xuất và tiêu thụ dừa của HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Tịnh, với 22 ha của 23 hộ; Dự án Liên kết tiêu thụ lúa của Công ty Vinh Hiển (liên kết với các HTX: Hưng Hòa, Bình Nhì, Bình Nhựt), với 860 ha; Dự án Liên kết tiêu thụ chế biến cây sả của HTX Cây sả Tân Phú Đông, với 50 ha của 22 hộ dân...

Nhìn từ thực tiễn hiện nay, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Minh Khánh, để tiếp tục hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi giá trị, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý các HTX về nâng cao năng lực quản trị; đàm phán, xây dựng chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu...; đồng thời, giới thiệu các công ty, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm...

Nhằm cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ, theo đồng chí Lê Minh Khánh, dự kiến trong tháng 6, Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối các HTX chuyên sản xuất rau, củ, quả với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn về đầu ra. Bởi chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nhiều HTX hiện chưa ổn định, đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩm nào có nhu cầu cao thì chất lượng lại không đáp ứng. Cụ thể, khi xuất khẩu sang EU hay một số nước khác cần phải đạt chuẩn GlobalGAP, nhưng sản phẩm của các HTX chỉ đạt chuẩn VietGAP nên xuất đi không được.

Do đó, đơn vị đang hướng các HTX sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, GlobalGAP. Dự kiến trong hội nghị kết nối này, giữa HTX và doanh nghiệp sẽ ký kết ghi nhớ buộc HTX phải sản xuất theo quy trình. HTX phải thực hiện các thủ tục đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn tương ứng và sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện.

“XÔNG” VÀO KHÂU CHẾ BIẾN

Thật ra, “điểm nghẽn” trong liên kết sản xuất còn nằm trong khâu chế biến sản phẩm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc tiêu thụ nông sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều cuộc “giải cứu” nông sản đã được thực hiện, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Hạn chế những cuộc “giải cứu” đang là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang hướng tới.

Nhìn vào vấn đề nội tại của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện chế biến vẫn là khâu yếu nhất, dù vấn đề này đã được “mổ xẻ” nhiều lần nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Bởi đây là câu chuyện dài và cần có nhiều thời gian, nỗ lực của nhiều ngành.

Tỉnh Tiền Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án chế biến nông sản.
Tỉnh Tiền Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án chế biến nông sản.

Nhận thấy hạn chế này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung kêu gọi đầu tư các dự án chế biến nông sản với mục tiêu giải “bài toán” tiêu thụ cho nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản của tỉnh. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Tiền Giang, thực tế cho thấy, số lượng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ở tỉnh hiện còn ít so với diện tích nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Do đó, để nâng cao hiệu quả mô hình chuỗi giá trị nông sản hàng hóa hiện có, ngành Nông nghiệp đang lập các dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực như: Thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, sản phẩm của gà ác và sản phẩm của chim cút... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp cũng đang phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long” để nâng chất lượng chuỗi giá trị xoài đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tình hình hiện nay.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang đề xuất Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2026, với một trong những nội dung quan trọng là xây dựng các mô hình mẫu về chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với an toàn thực phẩm để nhân rộng. Hiện UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT thống nhất tham gia dự án.

Nhìn trong chiến lược chung của ngành Nông nghiệp, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; trong đó, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, lựa chọn phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của địa phương; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ứng dụng công nghệ cao.

Để giải quyết hạn chế trong khâu chế biến, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tỉnh đang mời gọi được nhiều doanh nghiệp, dự kiến sắp tới sẽ đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Tiền Giang, với công suất khoảng 150.000 tấn sản phẩm chế biến và 200 tấn rau quả tươi. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Thúc đẩy sản xuất nông - lâm - thủy sản đến năm 2030; trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% sản phẩm nông sản thông qua chế biến.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, đối với các huyện phía Tây sẽ thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, hiện Đề án đang hoàn chỉnh.

Đề án dự kiến sẽ chuyển đổi gần 5.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn trái tập trung tại khu vực giữa Bắc Quốc lộ 1 và phía Nam đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Riêng khu vực phía Bắc đường cao tốc chỉ chuyển đổi trong các khu vực có ô đê bao kiên cố, chống lũ triệt để.

Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, giao ngành Nông nghiệp và các địa phương phía Tây tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân biết định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Theo đó, định hướng chuyển đổi là sẽ phát triển vùng chuyên canh hàng hóa đã có, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, cấp mã số vùng trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin thị trường tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng tổ chức sản xuất, thực hiện liên kết 4 nhà bền vững...

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

.
.
.