Thứ Năm, 19/09/2019, 10:25 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Kinh tế tập thể bước vào chặng đường mới

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (gọi tắt là Nghị quyết 13), trên địa bàn Tiền Giang đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao và đang tiếp tục bước vào chặng đường mới.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao.

Đánh giá tổng thể về hiệu quả hoạt động của loại hình kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã (HTX) nói riêng trên địa bàn Tiền Giang cho thấy, HTX, tổ hợp tác đã được thành lập ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số HTX được xem là điển hình không chỉ trên phạm vi trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh, như: HTX Quang Minh, HTX Mỹ Tịnh An, HTX Thức ăn chăn nuôi Bình Minh, HTX Chăn nuôi Thủy sản Gò Công, HTX Rạch Gầm, HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1…

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 được đánh giá là điển hình và đang phát triển một cách bền vững. Ông Huỳnh Kim Tuấn, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 cho biết, hiện nay HTX có 137 thành viên và 351 lao động làm việc tại HTX, với tổng vốn hoạt động hơn 140 tỷ đồng; doanh thu năm 2018 đạt hơn 954 tỷ đồng.

Từ chỗ 2 cửa hàng bán lẻ bách hóa tổng hợp, HTX đã phát triển thêm 4 cửa hàng tại chợ Cũ, chợ Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An và Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh. Bên cạnh đó, HTX còn làm đầu mối phân phối hàng độc quyền bán sỉ cho nhiều công ty: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan…

“Thành công của HTX được bắt đầu từ sự đoàn kết, nhất trí cao trong ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên; sự năng động, quyết đoán trong điều hành và thực hiện tốt chiến lược khách hàng, thị trường, giữ vững thị trường truyền thống và khai thác có hiệu quả các thị trường mới…”- ông Tuấn cho biết.

Một số HTX cũng đã xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada…

Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, HTX Quang Minh hiện trở thành một trong những điểm sáng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ xuất khẩu không chỉ của Tiền Giang, mà còn của các tỉnh, thành trong khu vực.

Ông Cao Dũng Khanh, Giám đốc HTX Quang Minh cho biết, khởi đầu với hơn 10 thành viên, với số vốn góp chỉ hơn 1,2 tỷ đồng, sau 15 năm hình thành và phát triển, số lượng thành viên HTX đã tăng lên 29, với số vốn góp khoảng 30 tỷ đồng. Một trong những điểm nhấn của HTX thể hiện qua hiệu quả hoạt động hằng năm. Theo đó, những năm đầu HTX chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 triệu USD/năm, đến nay đã tăng lên khoảng 4,5 triệu USD/năm.

Nhờ đó, thành viên yên tâm, tin tưởng vào hoạt động của HTX có chiều hướng phát triển tốt. Bằng chứng là qua các kỳ đại hội, thành viên HTX đã tích cực tham gia góp vốn để xây dựng HTX ngày càng vững mạnh hơn. Hiện tại, HTX Quang Minh có lợi thế trên nhiều phương diện như sản phẩm xuất khẩu, giải quyết cho gần 5.000 lao động trên địa bàn tỉnh ở các tổ vệ tinh, cùng 200 lao động trực tiếp tại xưởng sản xuất.

Từ những kết quả đạt được, năm 2018 HTX vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. “Thành công của HTX được bắt nguồn từ sự thống nhất ý chí trong việc xây dựng các chiến lược phát triển. Điển hình, nếu như trước đây mặt hàng lục bình chiếm tỷ lệ đáng kể, nhưng gần đây HTX Quang Minh đã chuyển hướng sang sản phẩm bằng dây nhựa.

Nhờ sự thống nhất chủ trương nên HTX đã nhập máy móc, hoàn thành việc sản xuất dây nhựa và hiện chiếm đến 70% sản phẩm xuất khẩu của HTX. Nếu không đồng thuận chuyển hướng sang mặt hàng dây nhựa thì HTX Quang Minh cũng chưa có sự phát triển nhanh như hôm nay”- ông Khanh cho biết.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX Quang Minh). 	                                           Ảnh: LẬP ĐỨC
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX Quang Minh). Ảnh: LẬP ĐỨC

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mô hình được đánh giá thành công là HTX Mỹ Tịnh An. Được thành lập vào năm 2009, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long và các nông sản khác, cung ứng vật tư nông nghiệp, Mỹ Tịnh An là một trong những HTX hiếm hoi trên địa bàn tỉnh tham gia xuất khẩu trực tiếp sang thị trường chính là Hoa Kỳ và châu Âu.

Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có khoảng 100 thành viên, với diện tích sản xuất hơn 100 ha thanh long, trong đó có khoảng 30 ha được công nhận GlobalGAP; 10 ha dừa GlobalGAP, với vốn điều lệ khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương.

Theo ông Thiện, mục tiêu của HTX đặt ra là góp phần giải quyết những vướng mắc của địa phương về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long, chủ yếu là đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Để giải quyết được mục tiêu này, HTX đã không ngừng tìm kiếm đối tác tin cậy để mở rộng hoạt động kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất GlobalGAP, đầu tư chi phí tái chứng nhận chứng chỉ GlobalGAP hằng năm; đồng thời, từng bước nâng cao trình độ sản xuất để tiến tới sản phẩm hữu cơ (Organic) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có 188 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và hơn 560 tổ hợp tác. Điểm đáng chú ý trong kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đến nay, toàn tỉnh có đến 125 HTX và dự kiến đến cuối năm 2019 tăng lên 131, với hơn 30.400 thành viên và hơn 1.200 lao động.

Các HTX chủ yếu tập trung vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây, lúa, rau màu, cung ứng vật tư nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác thủy hải sản, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn và hỗ trợ nông dân trong một số khâu sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến doanh thu bình quân trong năm 2019 của các HTX trong lĩnh vực này ước đạt 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 46,8 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, các HTX đã chủ động đăng ký lại và tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, mở rộng ngành nghề, tổ chức các dịch vụ phục vụ thành viên hiệu quả hơn.

Nhiều HTX đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại doanh thu ngày càng tăng. Một số HTX mới thành lập đã có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả bước đầu khả quan…

P.A

.
.
.