Thứ Sáu, 02/06/2017, 10:35 (GMT+7)
.
Chung tay chăm lo nhà ở cho công nhân

Bài 1: Quyết tâm của tỉnh

Bài 1: Quyết tâm của tỉnh
Bài 2: Nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Bài cuối: Đi tìm lời giải

Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, những năm gần đây với chủ trương phát triển công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, tập trung nhiều ở các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, số lượng công nhân cũng ngày càng tăng nên nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn.

Lễ khởi công Dự án HQC Tân Hương. Ảnh: Thế Anh
Lễ khởi công Dự án HQC Tân Hương. Ảnh: Thế Anh

Xuất phát từ nhu cầu của người lao động, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đã tập trung thực hiện theo chủ trương chung của Trung ương và chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm tạo quỹ nhà ở đáp ứng nhu cầu của các đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp và kể cả cán bộ, công chức, viên chức khó khăn về nhà ở.

1. Theo thống kê sơ bộ, số lượng công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 80.000 người và có xu hướng ngày càng tăng (chưa kể nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp, công chức, viên chức). Trước thực tiễn như thế, thực hiện Đề án chung của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở cho công nhân đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình xây dựng nhà ở đến năm 2020.

Dự án Nhà ở xã hội HQC Tân Hương khởi công ngày 22-4-2016, tổng vốn đầu tư 1.226 tỷ đồng, diện tích khuôn viên gần 6,05 ha gồm 18 dãy chung cư cao 10 tầng với tổng số 3.057 căn hộ, các căn hộ có diện tích từ 33 - 56 m2.

Trong những năm qua, riêng mảng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trên địa bàn tỉnh đang có một số dự án đang triển khai. Trong đó, dự án nhà ở xã hội lớn nhất là của Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân (HQC Tân Hương) đầu tư tại khu tái định cư của Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành). Dự án này được tỉnh giao khoảng 6 ha đất công đã được giải tỏa “sạch” cho nhà đầu tư để xây dựng và đang được triển khai thực hiện.

Trên địa bàn TP. Mỹ Tho trước đây cũng đã triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội là Dự án chung cư Mỹ Lợi. Tuy nhiên, do nhà đầu tư không có đủ năng lực nên tỉnh đã tạo điều kiện chuyển đổi nhà đầu tư khác để tiếp tục triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới.

Theo quy hoạch, tỉnh cũng đã dành quỹ đất trong khu dân cư Trung An với diện tích khoảng 14 ha, trong đó dành 3,1 ha để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Bên cạnh đó, tỉnh còn có dự án nhà ở xã hội Nguyễn Tri Phương (TP. Mỹ Tho). Dự kiến dự án này sẽ xây dựng block nhà khoảng 10 tầng để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Ngoài ra, tỉnh cũng đang dành những quỹ đất còn lại để tiếp tục kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu nhà ở.

Một trong những điểm nhấn quan trọng về nhà ở cho công nhân là trong thời gian qua, tỉnh đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện cho nhiều DN tự mua đất để xây dựng nhà ở cho công nhân của mình như: Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty Vạn Đức Tiền Giang, Công ty TNHH Tân Phước (khu nhà ở Minh Hưng), Công ty TNHH Long Uyên... Các DN này đều được tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi là miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất, các loại thuế khi đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Cụ thể, khi DN mua đất là đất nông nghiệp nhưng khi chuyển sang đất xây dựng nhà ở đã được tỉnh miễn giảm khoản tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho DN. Nhờ chủ trương ưu đãi của tỉnh, các DN đã nỗ lực đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, góp phần giải quyết nhà ở cho khoảng 1.390 công nhân.

Nhà ở cho công nhân của Công ty cổ phần Hùng Vương. Ảnh: Hữu Nghị
Nhà ở cho công nhân của Công ty cổ phần Hùng Vương. Ảnh: Hữu Nghị

2. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chủ trương xây dựng nhà ở công nhân là một chủ trương lớn không chỉ do Nhà nước thực hiện mà còn rất cần cộng đồng, xã hội cùng tham gia. Tỉnh đã rất hoan nghênh khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn Tiền Giang là 1 trong 3 địa phương của cả nước thực hiện thí điểm Đề án Xây dựng các thiết chế Công đoàn đã được Chính phủ phê duyệt và cho phép triển khai, trong đó có chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân.

Đề án này đã được tỉnh chấp thuận triển khai, với tổng diện tích đất xây dựng 3 ha; trong đó có khoảng 1.000 căn hộ cùng với nhiều hạng mục phục vụ đời sống công nhân như: Siêu thị, nhà trẻ, nhà tập luyện thể thao, trung tâm tư vấn pháp luật và các công trình phụ trợ khác...

Theo ông Phạm Anh Tuấn, DN muốn xây dựng nhà ở cho công nhân của mình thì DN phải tự mua đất và tỉnh sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế hay tiền chuyển mục đích sử dụng đất… đối với diện tích đất mà DN muốn đầu tư xây dựng nhà ở. Sau đó, DN sẽ tự tiến hành xây dựng đúng theo quy định hiện hành.

Riêng trường hợp DN yêu cầu Nhà nước giao đất công cho DN để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang làm việc cho đơn vị mình thì hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định mà chỉ có quy định chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở công nhân cho cộng đồng chung. “Dự án HQC Tân Hương ở Khu công nghiệp Tân Hương của Công ty cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân là dành cho tất cả đối tượng công nhân của khu công nghiệp này và các vùng lân cận chứ không riêng cho công nhân của một DN nào thì mới được xem xét giải quyết.

Còn giải quyết giao đất công cho DN chỉ để xây dựng nhà ở cho công nhân của DN mình thì chưa có văn bản quy định về vấn đề này nên tỉnh cũng không thể giải quyết khác quy định pháp luật. Hiện tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và  Môi trường, Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện vấn đề này”- ông Phạm Anh Tuấn dẫn chứng.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng thông tin thêm về khu đất hơn 17 ha mà Quân đội đã bàn giao lại cho tỉnh (ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho). Cụ thể, tỉnh đã phải bỏ ra khoản kinh phí khoảng 80 tỷ đồng để nhận lại phần đất này. Theo đó, một phần diện tích đất này đã được tỉnh triển khai xây dựng Trường THPT Chuyên Tiền Giang, với gần 3 ha; phần còn lại 14 ha, tỉnh quy hoạch làm khu dân cư, trong đó khoảng 3,1 ha dành xây dựng nhà ở xã hội. Do đây là đất công nên DN hay nhà đầu tư muốn xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì cũng phải thực hiện quy trình theo đúng quy định của pháp luật.

HỮU NGHỊ - PHƯƠNG ANH
(Còn tiếp)

Theo Kế hoạch 53/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 9-3-2017 về phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ phát triển nhà ở cho các đối tượng gồm 57.246 căn với gần 5,934 triệu m2 sàn xây dựng. Cụ thể là nhà ở thương mại và nhà do dân tự xây dựng 34.474 căn; nhà ở cho người nghèo 4.563 căn; nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng 4.235 căn (trong đó, xây dựng mới 1.983 căn, sửa chữa 2.252 căn); nhà ở cho người thu nhập thấp 1.203 căn; nhà ở cho cán bộ, công chức 297 căn; nhà ở công vụ 123 căn; nhà ở cho công nhân 8.195 căn; nhà ở cho đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn 351 căn; nhà ở cho người tái định cư khu vực ven kinh, rạch 2.475 căn; nhà ở cho sinh viên 1.330 căn...

 

.
.
.