Thứ Hai, 25/11/2019, 14:51 (GMT+7)
.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo

Anh Phạm Hồng Thơm khởi nghiệp thành công với Dự án Sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động.
Anh Phạm Hồng Thơm khởi nghiệp thành công với Dự án Sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động.

Sau quá trình khởi động, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở tỉnh từng bước hình thành; nhiều mô hình đứng vững và khẳng định mình.

DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với chuyên ngành Cơ khí tự động hóa, anh Phạm Hồng Thơm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí và tự động hóa Tân Phước Đông (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) tiếp tục theo học thạc sĩ tại Trường Đại học quốc gia Pukyong - Hàn Quốc.

Với vốn kiến thức học được, anh Thơm đã sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc ở lĩnh vực cơ khí gắn với tự động hóa có tính thực tế cao. Điển hình là việc triển khai thực hiện Dự án Sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động đã mang lại cho anh Thơm thành công trong khởi nghiệp.

Theo anh Thơm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học quốc gia Pukyong - Hàn Quốc, anh có nhiều sự lựa chọn, trong đó có việc ở lại Hàn Quốc để làm việc và tiếp tục học lên tiến sĩ.

Tuy nhiên, anh quyết định trở về nước khởi nghiệp, với việc sản xuất các thiết bị tự động phục vụ ngành nuôi, trồng thủy sản. Sau đó, anh Thơm chuyển sang sản xuất thiết bị chế biến gỗ, tất cả đều được tự động hóa.

Đây là bước ngoặt đối với quá trình khởi nghiệp của anh. Để sáng tạo ra một sản phẩm mới, anh Thơm phải mất nhiều thời gian từ việc thiết kế đến lập trình mô phỏng trên máy tính. Sau khi hoàn chỉnh mô hình, anh tiến hành kết nối và gia công theo lập trình trên máy tính.

Việc sản xuất thành công lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động, công ty của anh Thơm đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh cũng như cả nước tiên phong về sản xuất lưỡi cưa gỗ CD đính hợp kim tự động có thể thay thế hàng nhập ngoại.

Theo anh Thơm, ưu điểm của lưỡi cưa CD đính hợp kim tự động là năng suất cao gấp 3 - 4 lần so với lưỡi cưa truyền thống, nhưng giá bán chỉ bằng 50% so với hàng nhập ngoại.

Hiện tại, các thiết bị, máy móc do anh Thơm sáng chế không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu sang Lào, một số nước ở châu Phi. Mục tiêu công ty hướng đến là cung cấp cho thị trường Úc và Hoa Kỳ.

Theo anh Thơm, trong quá trình khởi nghiệp, anh nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ địa phương cũng như các ngành chức năng từ việc miễn giảm thuế, hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm, giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ…

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Thạc sĩ Thơm cho biết, ngành cưa xẻ gỗ vẫn đang phát triển. Song, với đam mê nghiên cứu, công ty đang lấn sân sang mảng robot công nghiệp và bước đầu đã thành công khi hiện có một số đơn hàng. Khoảng 3 - 4 năm nữa, công ty phấn đấu phân phối chuyên về robot công nghiệp.

“TIẾP SỨC” CHO KHỞI NGHIỆP

Có thể nói, Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Trên cơ sở Đề án 884, năm 2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định 2952 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Mục tiêu cụ thể của quyết định này là nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua truyền thông và giáo dục cộng đồng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nhân rộng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công, từ đó phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ học sinh, sinh viên, thanh niên…

Trong năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 125 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang năm 2019”.

Hội thảo là cơ sở quan trọng để nghiên cứu, rà soát, lựa chọn giải pháp phù hợp, trong đó có vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ thông qua các chính sách để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với vai trò là cầu nối, Tỉnh đoàn Tiền Giang, Sở KH&CN đã có nhiều chương trình thiết thực để “tiếp sức” cho thanh niên khởi nghiệp.

Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa rộng khắp, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu với những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Vừa qua, Tỉnh đoàn đã đến thăm các mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên thông qua Chương trình Khởi nghiệp sáng tạo được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay vốn như: Tổ hợp tác Thanh niên Cà phê Xanh của anh Nguyễn Nguyên Đăng (phường 9, TP. Mỹ Tho); cơ sở sản xuất kẹo khóm của anh Nguyễn Văn Tài (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước)…

Đây là những mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng trong thời gian 2 năm. Qua gần 1 năm thực hiện, các dự án của đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ vay vốn bước đầu đã phát triển và hoạt động ổn định..

Bên cạnh đó, từ năm 2012, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” để tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu với các doanh nghiệp tiêu biểu và học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của các doanh nghiệp thành đạt trong và ngoài tỉnh. Cuộc thi là sân chơi hữu ích, gắn kết giữa kiến thức chuyên môn và thực tế, tạo môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh cho sinh viên của trường.

Tại Vòng chung kết Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp năm 2019”, Dự án “Sản xuất mộng dừa sấy dẻo” đã đạt giải Đặc biệt. Nhóm sinh viên thực hiện dự án mang đến sản phẩm được tạo ra từ việc tận dụng nguồn lợi phẩm từ trái dừa khô, đó là mộng dừa.

Để bảo quản tốt mộng dừa trong thời gian dài, nhóm sinh viên đã sử dụng phương pháp sấy dẻo, giúp kéo dài thời gian bảo quản, nhưng thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm vẫn được giữ nguyên.

Theo Thạc sĩ Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Tiền Giang, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp năm 2019” đã được nhà trường triển khai sâu rộng và có sự đầu tư, chuẩn bị khá kỹ.

Năm nay, cuộc thi có 20 đề tài, dự án tham gia. Có thể nói, thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, cuộc thi còn có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chức năng, mạnh thường quân. Đặc biệt năm 2019, cuộc thi nhận được sự hỗ trợ từ Sở KH&CN.

“Hiện nay, Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp” và hoạt động khởi nghiệp của Trường Đại học Tiền Giang nằm trong chuỗi hoạt động của Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020. Mong muốn của nhà trường không chỉ dừng lại ở việc tổ chức cuộc thi, mà làm sao các dự án, đề tài khởi nghiệp của sinh viên lọt vào Vòng chung kết sẽ được phát triển sâu rộng hơn, giúp các em hiện thực hóa được ý tưởng” - Thạc sĩ Đinh Quốc Cường cho biết thêm.

M. THÀNH

.
.
.