Thứ Hai, 30/01/2023, 10:05 (GMT+7)
.

Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang - Lê Quang Trí: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất giáo dục

Ngay đầu năm mới 2023, Tiến sĩ Lê Quang trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chia sẻ với Báo Ấp Bắc: Năm 2023 được xem là năm trọng tâm của sự nghiệp đổi mới, do đó ngành GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ở các bậc học, trong đó tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo lộ trình “cuốn chiếu” ở các bậc học còn lại.

* Phóng viên (PV): Thưa tiến sĩ, ngành GD-ĐT đã có những chuẩn bị như thế nào để đón học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Ngày 30-1 (mùng 9 tết), toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ đón trên 332 ngàn học sinh tại 520 cơ sở giáo dục trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó có 53.603 trẻ bậc mầm non, 134.888 học sinh tiểu học, 97.637 học sinh THCS và 46.683 học sinh THPT.

Để đón học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, những ngày qua, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông đã tích cực thực hiện công tác vệ sinh trường lớp, lau chùi bàn ghế, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, chỉnh trang lớp học… để đón học sinh trở lại trường.

Riêng đối với các trường có tổ chức bán trú sẽ dọn dẹp, vệ sinh nhà ăn, các vật dụng phục vụ cho công tác bán trú. Việc đón học sinh trở lại trường phải đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng phòng, chống dịch Covid-19.

Vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023.
Vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023.

Trước ngày học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục thông qua giáo viên chủ nhiệm bằng các phương tiện như điện thoại, các kênh mạng xã hội đã thông báo ngày đến trường sau kỳ nghỉ tết đối với học sinh, qua đó nắm bắt sĩ số, kịp thời báo cáo, xử lý các trường hợp có nguy cơ nghỉ học sau tết.

* PV: Sau 14 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, ngành GD-ĐT có những giải pháp gì để “sốc” lại tinh thần học sinh tiếp tục chương trình học kỳ II năm học 2022 - 2023, thưa tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Sau gần 2 tuần nghỉ tết, học sinh các bậc học có thể không tránh khỏi trình trạng uể oải, lơ là trong việc học. Chính vì vậy, cần “sốc” lại tinh thần học tập cho học sinh trong những ngày đầu năm để từng bước đi vào nền nếp.

Đối với bậc mầm non, tiểu học là hai bậc học mặc dù chưa gặp nhiều áp lực kiến thức, thi cử như bậc THCS và THPT nhưng cũng rất cần “sốc” lại tinh thần cho các em khi trở lại trường. Bên cạnh thầy, cô giáo thì vai trò của phụ huynh rất quan trọng, cha mẹ cần nhẹ nhàng và tế nhị khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những nhắc nhở, câu chuyện vui, khơi gợi các câu chuyện về thầy cô, bạn bè… nhưng cần tránh gây áp lực tinh thần cho các em.

Còn đối với bậc THCS, THPT thì hầu hết các em đã có ý thức học tập. Trong những ngày đầu năm mới, giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn cần “sốc” lại tinh thần cho các em bằng những bài hát, trò chơi, mẩu chuyện vui, tránh giao bài kiểm tra, bài tập đầu năm.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ còn lại của năm học 2022 - 2023, giáo viên cũng như học sinh cần tạo cho mình kế hoạch học tập trong học kỳ II, đặc biệt là đối với học sinh lớp 9, 12 cần lên kế hoạch học tập và tăng tốc ôn tập sau tết để sẵn sàng cho những kỳ thi quan trọng.

Bên cạnh việc học tập, thì việc giữ gìn sức khỏe cũng cần được xem là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, các bậc phụ huynh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, theo dõi và nhắc nhở giờ giấc ăn, ngủ, vui chơi một cách khoa học cho các em, tránh tình trạng để các em thức quá khuya, làm suy giảm sức khỏe. Một lưu ý rất quan trọng là phụ huynh, học sinh, giáo viên cần chú ý phòng ngừa các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19.

* PV: Tiến sĩ có thể cho biết những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong năm học 2022 - 2023?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Bước sang năm 2023, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo yêu cầu của Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Triển khai Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tổ chức triển khai có hiệu quả việc đào tạo sinh viên theo địa chỉ sử dụng Nghị định 116/2020 của Chính phủ, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định 71/2020 của Chính phủ, điều chuyển giáo viên khắc phục thừa thiếu cục bộ đảm bảo đủ giáo viên về số lượng và chất lượng theo Chương trình GDPT 2018.

Ngành GD-ĐT tập trung nâng chất các bậc học, đồng thời chú trọng tổ chức tuyển dụng giáo viên còn thiếu so với định mức biên chế được giao, đặc biệt là việc tuyển dụng gắn liền với thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Sẵn sàng cho con trở lại trường học.
Sẵn sàng cho con trở lại trường học.

Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 6 bậc lớp được dạy theo Chương trình GDPT 2018 và thay sách giáo khoa. Sắp tới đây, ngành GD-ĐT sẽ cùng với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định sách giáo khoa  các lớp 4, 8 và 11.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tập trung thực hiện mục tiêu cho giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh.

Chính vì vậy, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp của năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT sẽ quan tâm nâng chất đội ngũ thầy cô giáo trong toàn ngành, không chỉ chuyên môn nghiệp vụ, mà còn tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên về tư tưởng, kỹ năng để làm thế nào giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh như mong đợi của nhân dân và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Ngoài ra, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ tập trung tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư nói chung và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa nói riêng trong đầu tư lĩnh vực GD-ĐT, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Trong năm 2023, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thành công tác tự đánh giá chất lượng đối với các trường mầm non, phổ thông theo khung thời gian năm học; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đề ra với mục tiêu từ đây đến năm 2030, 100% trường học sẽ đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung đánh giá công nhận chất lượng giáo dục đảm bảo đúng thực chất và tổ chức tốt kỳ thi học sinh giỏi các cấp và Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm 2023 là năm ngành GD-ĐT Tiền Giang tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT của tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 nên ngành GD-ĐT tỉnh rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận của nhân dân, tinh thần chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các thầy cô giáo trong toàn ngành.

* PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

PHI CÔNG (thực hiện)

.
.
.